Tăng trưởng xanh của Bắc Ninh và những nỗ lực trong thời gian tới
Sáng ngày 27/04/2023, Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được trang trọng tổ chức tại trụ sở Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với sự tham dự của đại diện Viện; đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đồng chí Võ Băng Nga làm trưởng đoàn cùng các chuyên gia Hàn Quốc trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Buổi làm việc nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp tỉnh (PGGAP)” nhằm hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong việc nắm bắt tình hình và xây dựng Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Hội nghị tập trung thảo luận về vấn đề tăng trưởng xanh của Bắc Ninh và các biện pháp góp phần cải thiện, nâng cao hiệu suất năng lượng trong sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, quá trình chuyển dịch xanh của kinh tế Bắc Ninh trong thời gian gần đây đã tạo ra một số thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Với sự hợp tác, giúp đỡ từ các chuyên gia Hàn Quốc trong phân tích SWOT về tăng trưởng xanh hay mô hình MARKAL về quy hoạch hệ thống năng lượng quốc gia, các cấp lãnh đạo đã nâng cao hơn nhận thức về tăng trưởng xanh, coi đây là con đường mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho tỉnh nói riêng và cho đất nước nói chung. Thông qua chuyển đổi xanh trong Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, chính quyền tỉnh Bắc Ninh kỳ vọng sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với chất lượng tốt hơn. Trong khu vực doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp FDI cũng tỏ ra hết sức quan tâm và ủng hộ đối với kế hoạch chuyển đổi xanh của tỉnh. Ngoài mặt nhận thức, những thay đổi lớn nhất từ tác động của quá trình chuyển đổi xanh được ghi nhận là sự hình thành trung tâm dịch vụ logistics xanh, hình thành nhà máy xử lý rác phát điện, chương trình thí điểm sử dụng điện mái trong trường học hay việc sử dụng rác thải làm phân vi sinh. Những hoạt động này đã góp phần giảm thiểu chi phí, giảm khí thải, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn khu vực nông thôn.
Đại diện Viện tại Hội nghị - Ảnh: Quốc Bình
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những trở ngại không nhỏ như nhận thức cúa cộng đồng người dân trong các khu vực làng nghề và doanh nghiệp nội địa về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh còn chưa cao. Thói quen sản xuất, kinh doanh lạc hậu của khu vực làng nghề truyển thống đang để lại nhiều gánh nặng về môi trường, về thời gian, chi phí khắc phục hậu quả cho địa phương. Thể chế liên quan đến cách thức quy hoạch, kết nối trong nền kinh tế xanh, tiết kiệm năng lượng còn cần được cụ thể hóa hơn nữa, các vấn đề về tín dụng xanh, dự án đầu tư công xanh hay nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên chuyển đổi xanh cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Chính vì vậy, Viện cũng như tỉnh hết sức mong muốn nhận được thêm những góp ý, tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực này và sẵn sàng lắng nghe, học hỏi và dành thời gian nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Các chuyên gia Hàn Quốc tại buổi làm việc đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến từ Viện và đưa ra gợi ý nhằm khắc phục những khó khăn về mặt thể chế mà trong những năm qua Việt Nam cũng như tỉnh Bắc Ninh đã rất nỗ lực thay đổi, hoàn thiện. Cũng theo ý kiến của ông Jeon Kwan-taek – chuyên gia trong lĩnh vực tăng trưởng xanh Hàn Quốc, quan trọng nhất là cần tìm ra tiềm năng đối với tăng trưởng xanh, đặc biệt là tiềm năng riêng có, đặc trưng của địa phương để từ đó thu thập dữ liệu, nghiên cứu và xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh dựa trên chính những đặc trưng của địa phương. Ngoài ra, để có thể thành công trong xây dựng và thực hiện Kế hoạch về tăng trưởng xanh còn cần dựa vào nhiều yếu tố như hoàn thiện thể chế từ trung ương tới địa phương và thực hiện cũng như tạo ra các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện Kế hoạch. Trong đó, ông nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào Kế hoạch là rất quan trọng. Không chỉ vậy, những yếu tố về công nghệ và nguồn tài chính cho việc thực hiện Kế hoạch thành công là không thể thiếu. Theo kinh nghiệm về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, tăng trưởng xanh đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế từ lâu và trở thành nhiêm vụ quan trọng được kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ 10 năm/ lần. Các biện pháp như giảm thuế cho Doanh nghiệp; kiểm toán năng lượng và hỗ trợ giảm giá đối với các sản phẩm dán nhãn năng lượng; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hằng năm về tăng trưởng xanh cho người dân cũng được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm thực hiện.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: Quốc Bình
Cũng tại hội nghị, các chuyên gia đã đưa ra cam kết hỗ trợ và hứa hẹn về các buổi đào tạo, chia sẻ những bài học kinh nghiệm về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ nhận được sự đồng tình và tham gia của các chuyên gia Việt Nam và đại diện tỉnh Bắc Ninh.
Các đại diện và chuyên gia tham dự hội thảo - Ảnh: Quốc Bình
Về phía đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bà Võ Băng Nga cho biết Bộ ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, đặc biệt là qua đánh giá vè chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Bắc Ninh đứng thứ 3 về Chỉ số PGI, theo công bố ngày 11/04/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ. Bà cũng cho biết hiện tại Bộ đang tích cực làm việc xây dựng các kịch bản xanh, lên danh mục các dự án tăng trưởng xanh đẻ từ đó trình Dự thảo Kế hoạch tăng trưởng xanh, trong đó tiếp cận nhiều lĩnh vực, đánh giá các chi phí, lợi ích về tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu hướng tới một xã hội trung hòa carbon và net zero. Ngoài ra, Bộ rất quan tâm xem xét với những đề xuất của các địa phương để từ đó lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng và có hướng dẫn chi tiết để địa phương có thể thực hiện.
Khép lại buổi hội nghị, các bên đều mong muốn tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nhiều hơn về các vấn đề kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. Viện luôn sẵn sàng và tích cực phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu, học hỏi, trao đổi kiến thức, trải nghiệm thực tế về các vấn đề kinh tế - xã hội có liên quan./.