Hoài Thượng phát triển làng nghề gắn với xây dựng NTM

04/06/2019 14:58 Số lượt xem: 844

Xây dựng nông thôn mới(NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, qua đó đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Và thực tế trong xây dựng NTM những năm qua trên địa bàn xã Hoài Thượng huyện Thuận Thành cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đó cũng sẽ là động lực góp phần từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. 

 

Gia đình anh Đỗ Quang Tập, thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành có cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ rộng gần 1000m2, đây là một trong những hộ có nghề mộc truyền thống đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Anh Tập cho biết: Dù vất vả, nặng nhọc, nhưng đó là nghề giúp gia đình anh có cuộc sống ổn định. Vì vậy, trải qua bao thăng trầm, biến cố của làng nghề, gia đình vẫn quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống. Những năm trở lại đây, nhờ ứng dụng máy móc vào sản xuất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của gia đình anh đã tăng lên đáng kể, cho doanh thu mỗi năm từ 1,5 – 1,6 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 – 7 triệu đồng 1 người/tháng.

Nghề mộc chạm khắc gỗ mỹ nghệ ở thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành đã có tuổi đời cả trăm năm. Cả thôn hiện có 142 hộ, trong đó có 35 hộ trực tiếp làm nghề, giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn gần 200 lao động, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ tại đây chủ yếu làm theo đơn đặt hàng từ khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, vì vậy sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Đặc biệt một số sản phẩm còn được xuất ra thị trường các tỉnh thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Bình, Hưng Yên và một số tỉnh phía Nam. Từ nghề làm mộc, nhiều gia đình đã có của ăn của để, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên. Anh Đỗ Quang Hà, Trưởng thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng cho biết: Hiệu quả của làng nghề là giải quyết được công ăn việc làm của địa phương, nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu, có nhiều hộ mở rộng được quy mô sản xuất...

Xây dựng NTM là mục tiêu quan trọng, là động lực để làm thay đổi diện mạo của địa phương. Dựa trên những tiêu chí đã có, cuối năm 2016 Hoài Thượng đạt chuẩn NTM. Ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng đóng góp sức người, sức của xây dựng đường giao thông xóm ngõ. Một mặt xã tập trung tạo điều kiện thoát nghèo như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vật tư phân bón cho nông dân sản xuất nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển đa dạng ngành nghề phụ, làng nghề truyền thống nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,34%. Việc phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống ở xã Hoài Thượng không chỉ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân, mà còn là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng một số tiêu chí NTM trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Lê Thế Thêm, Bí Thư Đảng ủy xã Hoài Thượng cho biết: Qua xây dựng NTM thì ban chỉ đạo của xã đã củng cố lại các làng nghề. Nhưng cái khó khăn của làng nghề chính là đầu ra của sản phẩm và nguồn vốn. Vì vậy, ban chỉ đạo của xã tiếp tục tranh thủ hỗ trợ của các ngân hàng để làm dự án cho bà con vay vốnĐồng thời cũng tiếp tục cùng với làng nghề đi các nơi tìm đầu ra cho ổn định để bà con an tâm lao động sản xuất, phát triển làng nghề bền vững.

Hữu Ánh