Sức sống làng nghề
Đã từ lâu người ta mới chỉ biết nhiều về làng nghề truyền thống sản xuất chế biến đồ gỗ dân dụng nổi tiếng đó là làng Đồng Kỵ, nay thuộc phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn. Nhưng ở huyện Lương Tài cũng có làng nghề Quảng Phú chuyên sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, thu hút hàng ngàn lao động.
Nên thợ nên thầy nhờ có học
Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hàng trăm thanh niên trẻ là những người lính hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở về và cả những học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng không có việc làm ổn định, Đã khăn gói rủ nhau đến các tỉnh Nam Định, Hải Dương và thôn Đồng Kỵ học nghề mộc, với ước mơ nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo. Tháng đầu người học tập cưa, cắt, dọc gỗ theo các mực thẳng, bào, lạo, đánh ráp mặt phẳng. Sau đó nâng dần nên những công việc mang tính kỹ thuật. Anh Trịnh Văn Bằng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Bằng Loan thôn Quảng Nạp, một cơ sở có tên tuổi ở Quảng Phú tâm sự: “Ngày đầu vào học thật sự khó khăn, tôi tưởng phải bỏ dở. Đối với phó cả chỉ sau hơn một giờ là đục xong chiếc bệ tù chè đường nét mềm mại, uyển chuyển. Còn tôi tháng đầu loay hoay đánh vật đúng một ngày mới xong, nhưng rồi kiên trì cũng thành thợ ”. Còn chị Loan, vợ anh Bằng thì nói: “Học khảm là khó nhất, vì ngày đầu em tập khảm con ngựa, khảm xong càng nhìn càng giống con dê núi, nắn nót mãi nhìn lại giống con bê con, còn cây trúc thì thành cây chuối. Nhưng rồi có công mài sắt có ngày cũng nên kim. Sau 3 tháng học em cũng khảm hoàn chỉnh được đôi cánh tủ chè, những chiếc bệ sập, bệ tủ”. Cứ như vậy hàng trăm thanh niên ở Quảng Phú từ 5 đến 10 tháng cũng đóng thành thạo được những chiếc giừơng, chiếc tủ. Tuy nhiên do thiếu kiên nhẫn không ít anh em đã bỏ nghề ngay từ ban đầu.
Sự xuất hiện làng nghề
Khi mới học về, đa số anh em mua gỗ về tổ chức đóng giường, tủ, bàn, ghế theo đơn đặt hàng của khách tại gia đình. Những anh em có tay nghề khá có vốn mua sắm máy cưa, máy tiện, máy bào rồi tập hợp một số thợ trẻ tổ chức thành những cơ sở, những phân xưởng sản xuất chế biến đồ gỗ dân dụng theo quy mô vừa và nhỏ. Cứ như vậy sau 10 năm ( từ 1975-1985) làng nghề Quảng Phú không ngừng phát triển, những nam nữ thanh niên, học sinh từ mỗi gia đình, dòng họ, trong xã tự giúp nhau thành nghề theo hướng cha truyền con lối. 10 năm sau ở đây đã có gần 100 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ. Mức doanh thu mỗi cơ sở từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng/ năm.
Trước nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng về đồ gỗ dân dụng cao cấp cũng như khả năm phát triển công nghiệp cao của nghề mộc, đến năm 2018 làng nghề Quảng Phú đã có gần 200 cơ sở, công ty sản xuất chế biến và kinh doanh đồ gỗ dân dụng, với số vốn phát định mỗi cơ sở từ 1 đến nhiều tỷ đồng. Điều đáng nói là hầu hết phần lao động thủ công của thợ ngày nay đã được thay thế cơ bản bằng các thiết bị máy móc hiện đại từ khâu xẻ gỗ đén cưa, cắt, tiện, soi chỉ, bào nạo, đánh ráp, phun sơn, do vậy không những năng suất lao động cao mà còn đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ hoàn hảo. Ông Trịnh Văn Thăng Chủ tịch UBND xã Quảng Phú khẳng định: “Quảng Phú chúng tôi ruộng ít người đông, nên chỉ có phát triển làng nghề mới tự tạo ổn định lao động việc làm, đời sống để sớm thoát khỏi đói nghèo vươn nên làm giàu và thực hiện xây dựng nông thôn mới”.
Khẳng định thương hiệu làng nghề
( sản phẩm đồng hồ gỗ cơ sở sản xuất Bằng loan(1)
Những năm gần đây, mặt hàng đồ gỗ ở làng nghề Quảng Phú đã trở nên nổi tiếng, những chiếc sập gụ, tủ chè, tủ chùa, tủ tường, sập thờ, đồng hồ đã được các tay thợ kỹ thuật trẻ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với mo-đen tân tiến hiện đại, bằng những đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại uyển chuyển, sinh động. đặc biệt nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc, kỹ thuật khảm ốc, khảm trai được thể hiện ngày càng tinh tế, có những đôi cánh tủ chè, tủ chùa, tủ tường hoặc bệ những chiếc sập gụ được khảm hoàn toàn bằng chất liệu ốc quý, tạo nên những bức tranh đủ sắc mầu rực rỡ, minh họa về truyền thống đánh giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất của ông cha ta. Hoặc hình ảnh những cây cổ thụ, những loài động vật gần gũi, thân thiện với con người, những loài hoa cây cảnh tùng, cúc, trúc, mai đó là những khung cảnh thiên nhiên kỳ thú làm say đắm lòng người. Do vậy có ngày thu hút hàng trăm khách trong và ngoài tỉnh đến mua sắm đồ gỗ tại đây. Anh Nguyễn Văn Đức, kế toán bệnh viện đa khoa Lương Tài là người chơi đồ gỗ sành điệu nổi tiếng ở Hải Dương và ông Trịnh Văn Hữu, một khách hàng ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thương xuyên đặt mua hàng ở cơ sở sản xuất đồ gỗ Bằng Loan đều có tiếng nói chung là: “Đã đi xem đồ gỗ ở tỉnh Nam Định và làng mộc Đồng Kỵ ( Từ Sơn) nhưng tôi thấy đồ gỗ ở làng nghề Quảng Phú có những nét đặc trưng riêng mà nơi khác không thể có, nhất là nghệ thuật khảm ốc, đường nét sắc xảo, gắn kết hài hòa, sinh động, giá cả hợp lý cho nên nhiều người ở Quảng Ninh về đây mua”. Chị Loan thông tin thêm: “Tôi đóng đồ gỗ chất lượng cao, chủ yếu làm theo hợp đồng với khách hàng ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn và Cà Mau. Nhiều khi khách hàng chỉ cần điện thoại đến thống nhất mặt hàng, chủng loại gỗ và giá cả là sau 10 năm đến 20 ngày tôi chở hàng đến tận nhà”
(chị Loan kiểm tra sản phẩm trước khi xuất hàng(2)
Những mặt hàng đồ gỗ ở làng nghề Quảng Phú không những đẹp về kiểu giáng, mẫu mã mà còn đạt tới đỉnh cao về kỹ, mỹ, thuật, phù hợp với phong cách sinh hoạt của người Á Đông, cho nên ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Những chiếc sập gụ, tủ chè, tủ chùa, tủ tường những bộ sa lông ở Quảng Phú không những đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh mà còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Singapo.
Đáng lưu ý là những năm gần đây nhiều thanh niên ở khắp nơi trong và ngoài huyện lại về Quảng Phú để học nghề mộc dân dụng do vậy Quảng Phú đang là điểm đến và là nơi khởi nghiệp của nhiều thanh niên trẻ. Anh Nguyễn Văn Mạnh-cơ sở sản xuất đồ gỗ Mạnh Thu cho biết: “Chúng tôi có đủ mặt hàng đồ gỗ cao cấp sẵn sàng phục vụ theo đúng yêu cầu của khách hàng mọi lúc, mọi nơi.”
( công nhân cơ sở gỗ Mạnh Thu và Bằng Loan đánh giáp(3,4)
Hiệu quả kinh tế
Có vốn, có lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, lại có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước khá ổn định cho nên nghề mộc ở Quảng Phú ngày càng phát triển, mỗi năm lại có thêm hàng trăm lao động có việc làm và thu nhập từ 4,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/ tháng, cao gấp 20 lần so với làm nông nghiệp, thiết thực góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên 40,7 triệu đồng/ người/ năm; Hộ nghèo giảm còn 2,2 %, trong đó 98% số hộ thợ mộc có nhà kiên cố 2-3 tầng có xe ô tô cùng với tiện nghi sinh hoạt trang trọng, lịch sự. Ngày nay khách hàng đến làng nghề Quảng Phú có thể thoải mái lựa chọn đủ các loại đồ gỗ dân dụng cao cấp kiểu mẫu phong phú, giá cả hợp lý những chiếc sập gụ, tủ chè hoặc những bộ sa lông gỗ gụ có giá trị từ 18 đến 40 triệu đồng. Nhưng nếu được làm bằng gỗ Trắc, gỗ Hương lại được khảm bằng chất liệu ốc quý có giá trị từ 45 đến 120 triệu đồng.
(sản phẩm sập gụ, tủ chè của cơ sở Bằng Loan(5)
Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước và nếu được nhà nước kích cầu tương lai làng nghề mộc ở Quảng Phú sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng và có sự đổi mới về kỹ thuật, mỹ thuật để vươn cao hơn, xa hơn trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Dần - Bí thư Đảng Ủy xã Quảng Phú khẳng định: “ Phát triển làng nghề truyền thống là một hướng đi đúng, là con đường ngắn nhất để nhân dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo làm cho dân giàu, xã mạnh tạo sức sống mới góp phần xây dựng huyện Lương Tài ngày càng giàu đẹp văn minh.