Thăm di tích Quốc gia đặc biệt đền Rồng, phường Đình Bảng
Được khởi dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII), trải qua thời gian, chiến tranh, đến nay đền Rồng (còn gọi là miếu Rồng), khu phố đền Rồng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn vẫn giữ được nét kiến trúc xưa, trở thành địa điểm du lịch - văn hóa tâm linh thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương…
Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng - vị vua thứ 9 của nhà Lý lên ngôi khi mới 7 tuổi. Năm 1226, bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, từ đây triều đại nhà Lý chuyển giao sang nhà Trần. Năm 1278, bà về thăm quê hương Cổ Pháp và mất tại đây, được nhân dân địa phương xây dựng đền miếu Rồng (sau này gọi là đền Rồng) để phụng thờ.
Hiện, đền Rồng được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 2.800m2, gồm các hạng mục: Cổng đền (nghi môn), đền thờ, nhà Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ. Cổng đền được xây dựng quy mô lớn, với cổng chính và hai cổng phụ 2 bên.
Đền thờ có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế và Hậu cung. Hai bên đền là 2 tượng voi quỳ bằng đá xanh.
Tiền tế có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong” được trùng tu lại đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng đặt tại gian giữa đền thờ.
Nhà Mẫu gồm 4 gian được xây dựng theo kiểu truyền thống.
Hiện, đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị thời Nguyễn: Tượng thờ, sập thờ, hương án, hoành phi, câu đối, bát bửu…
Các sắc phong.
Trong khuôn viên đền có 3 cây di sản Việt Nam (2 cây Nhội và 1 cây Duối).
Bên phải đền có dãy nhà dài 15 gian, nơi để nhân dân, du khách sắp lễ.
Hội đền hàng năm được tổ chức trong hai ngày 22 và 23 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ ngày mất của Lý Chiêu Hoàng. Đền Rồng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014.