Đảng ủy xã Tân Lãng tham dự trực tuyến hội nghị Quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Sáng 29-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương.
Tham dự trực tuyến, tại điểm cầu xã Tân Lãng có đồng chí Trần Chí Hoàng: Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, các đồng chí trong thường trực Đảng ủy, lãnh đạo HĐND – UBND xã, các đồng chí trong BCH đảng bộ xã.
Hội nghị nghe báo cáo những nội dung chủ yếu của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị; Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Nghị quyết nêu bật những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế.
Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đến năm 2030 nêu rõ: Giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030 GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành). GRDP bình quân đầu người đạt 274 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (mầm non đạt 76%, tiểu học đạt 95%, THCS đạt 90%, THPT đạt 68%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiểu giảm 1,5%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường...
Tầm nhìn đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục- đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, phát triển kinh tế số; tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị bền vững; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là hội nghị hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong Vùng, nhằm sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của vùng, cũng như mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển vùng, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn vùng, từng địa phương trong vùng, cũng như của cả nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Yêu cầu xác định rõ, đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai. Tổng Bí thư cho rằng cần khơi dậy và phát huy hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tiềm năng, lợi thế của vùng; đồng thời yêu cầu các cấp các ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, bảo đảm sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh…