Trạm Lộ chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

04/06/2019 16:22 Số lượt xem: 140

Với phương châm phòng bệnh là chính, thời gian qua, xã Trạm Lộ đã rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi trong diện tiêm phòng; đồng thời triển khai cụ thể kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2019 đến các hội, đoàn thể và các thôn nhằm không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Ngay từ đầu năm 2019, xã Trạm Lộ có nhiều biện pháp nhằm phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; Bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.Hiện nay, toàn xã có gần 3.650 con lợn, 135 con trâu bò và đàn gia cầm có gần 49.500 con. Để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng, phát triển tốt, ngay từ đầu năm 2019, xã Trạm Lộ đã chỉ đạo các ngành đoàn thể phối hợp, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch xảy ra. Cán bộ thú y tham mưu với các ngành chức năng của huyệnphối hợp cho Ban Chỉ đạo của xã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và triển khai kế hoạch đến các thôn.Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Phức – Cán bộ thú y xã Trạm Lộ cho biết:Để chủ động phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như: Dịch cúm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả... Xã Trạm Lộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh trên đàn vật nuôi; Đài truyền thanh xã, thôn tập trung tuyên truyền về lợi ích, ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm và khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động khai báo khi có dịch bệnh xảy ra...

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trước các loại dịch bệnh, từ đầu năm 2019 đến nay, xã Trạm Lộ đã phun phòng hóa chất khử trùng tiêu độc tại 100% các thôn với 195 lít hóa chất. Ngoài ra, BCĐ của xã cũng hướng dẫn tiêm phòng vắcxin trên đàn gia súc, gia cầm; Chú trọng đến công tác khử trùng trong và sau tiêm phòng, khử trùng định kỳ; thường xuyên chỉ đạo cho lực lượng thú y tăng cường công tác vận động, hướng dẫn, nhắc nhỡ người chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột sát trùng, tiêu độc; cung cấp đủ nước sạch cho gia súc uống; tăng lượng thức ăn xanh… Đặc biệt trước tình hình dịch tả heo châu Phi vừa được phát hiện ở tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, xã Trạm Lộ đã tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Song song đó, BCĐ phòng chống dịch bệnh của xã cũng tăng cường giám sát, kiểm tra lợn cung cấp vào thị trường, đồng thời hộ chăn nuôi phải khai báo với cơ quan chuyên môn khi lợn có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, thì hơn hết các hộ chăn nuôi cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng để phòng ngừa, kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm kịp thời, hiệu quả./.

Hữu Ánh