null Khuyến cáo kỹ năng xử lý đám cháy xe mô tô, xe gắn máy


1. Nguyên nhân cháy xe máy

1.1. Xe máy bốc cháy do chập điện

Nguyên nhân cháy xe máy thường gặp nhất là do: IC, cầu chì, ắc quy,... - đảm nhận vai trò điều khiển toàn bộ hệ thống điện gặp trục trặc. Khi các bộ phận này làm việc không ổn định sẽ dễ dẫn đến tình trạng chập điện, gây cháy xe.

  • IC không hoạt động ổn định: IC là bộ phận quan trọng của xe máy có nhiệm vụ điều khiển hệ thống mạch điện. Nếu linh kiện này gặp bị trục trặc, làm việc thiếu ổn định sẽ dẫn tới tình trạng bị chập điện.
  • Ắc quy gặp vấn đề: Được thiết kế nằm gần bình xăng nên khi gặp sự cố đoản mạch, lượng hóa chất trong ắc quy nóng lên, thể tích bị nở ra sinh ra nhiệt độ cao, gây nổ ắc quy. 
  • Cầu chì hỏng: Cầu chì có chức năng ngắt mạch, hạn chế tình trạng chập cháy. Khi cầu chì hỏng, các sự cố trong hệ thống điện không được ngắt kịp thời dẫn đến sinh ra tia lửa điện và có thể gây ra cháy xe máy.

1.2. Rò rỉ xăng

Một nguyên nhân khác gây ra sự cố cháy xe máy là do xe bị rò rỉ xăng. Khi xăng tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nguy cơ cháy nổ rất cao. Xăng bị rò rỉ thường do các yếu tố sau đây:

  • Bộ phận van kim của chế hòa khí làm tràn xăng ra buồng đốt.
  • Các chất lạ làm thủng bình xăng.

1.3. Chất lượng nhiên liệu kém

Chất lượng nhiên liệu kém cũng là một phần lý do khiến cho xe máy bị cháy nổ. 

  • Nếu xăng không đảm bảo chất lượng sẽ làm phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu hoặc khiến áp suất hơi trong bình tăng cao và làm rò rỉ xăng, khi gặp một nguồn nhiệt đủ nóng sẽ gây cháy.
  • Sử dụng xăng không phù hợp với động cơ cũng gây nên hiện tượng nóng cục bộ và làm cháy xe máy.

1.4. Xe bị quá nhiệt

Nếu dầu bôi trơn bị quá hạn sử dụng, không còn khả năng làm mát động cơ sẽ khiến cho xe bị quá nhiệt. Động cơ xe khi bị quá nhiệt sẽ dễ cháy hơn, đặc biệt là khi tiếp xúc với chất dễ cháy như xăng dầu. Để hạn chế điều này, chủ phương tiện nên bảo dưỡng và thay dầu định kỳ cho xe máy.

1.5. Xe máy cháy do bị hở đường dẫn nhiên liệu

Đây được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các rủi ro về cháy, nổ với tỷ lệ rất cao. Nguồn nhiên liệu từ bình chứa tới buồng đốt phải qua hệ thống đường ống phức tạp với nhiều điểm nối.

Các đường dẫn nhiên liệu sau một thời gian dài sử dụng đã cũ, rạn nứt làm hở các đầu nối giữa những điểm tiếp xúc với nhau. Nguồn nhiên liệu theo khe hở chảy ra ngoài khi gặp tia lửa điện phát ra làm xe máy bị bốc cháy.

2. Cách phòng tránh cháy nổ xe máy

- Không lắp thêm các thiết bị điện trên xe

Khi lắp thêm thiết bị điện khác trên xe sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu hệ thống điện hoặc tình trạng quá tải sẽ gây ra cháy nổ. 

Ngoài ra, chủ phương tiện không nên tự thay đổi kết cấu hoặc lắp cầu chì không đúng nguyên tắc.

- Sử dụng xe máy một cách cẩn thận

Trong quá trình sử dụng, người dùng không nên đặt hóa chất, bật lửa,... trên xe hoặc trong cốp xe. Ngoài ra, phương tiện cần được vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và dễ dàng kiểm soát tình trạng rò rỉ xăng. 

- Phòng tránh chuột cắn phá xe

Chuột có thể cắn phá hệ thống điện hoặc dây dẫn xăng, gây rủi ro về cháy nổ xe máy. Để phòng tránh tình trạng này, người dùng nên để xe ở nơi thoáng mát, nuôi mèo hoặc đặt bẫy dưới gầm xe để bắt chuột.

Nếu thấy xe có bất thường như khó khởi động, có tiếng nổ lạ, điện chập chờn... thì người sử dụng phương tiện cần mang xe đi kiểm tra ngay.

- Bảo dưỡng xe định kỳ

Cách hiệu quả để phòng ngừa tình trạng cháy nổ xe máy, đảm bảo sự an toàn cho phương tiện là thường xuyên bảo dưỡng hệ thống điện, bộ chế hòa khí, bình xăng.

Ngoài ra, người điều khiển xe cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng để phát hiện tình trạng hở điện, rò rỉ xăng,...

3. Cách xử lý khi có sự cố cháy, nổ xe

3.1. Đối với trưởng hợp xe cháy trong nhà

- Ngắt điện khu vực đang cháy hoặc toàn bộ điện của ngôi nhà. Khi đó có thể dùng nước, bình chữa cháy, chăn ướt để dập lửa…, đồng thời nhanh chóng mở toang các cửa nhà để thoát khói.

- Gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số: 114 để báo cháy. Cung cấp thông tin về địa chỉ nhà, số người trong nhà, tình trạng đám cháy và các thông tin khác theo yêu cầu của lực lượng chức năng.

- Sử dụng bình chữa cháy là cách hiệu quả để dập tắt đám cháy

Lưu ý: Khi có dấu hiệu cháy nhiên liệu từ xe thì tuyệt đối không sử dụng nước để dập cháy vì sẽ làm xăng chảy loang rộng, khiến đám cháy phát triển lớn.

3.2. Đối với trường hợp xe cháy trong bãi đỗ xe

- Lập tức hô hoán, báo động mọi người xung quanh để cùng nhau hợp sức xử lý đám cháy, nhanh chóng di chuyển, cách ly các xe xung quanh ra khỏi khu vực đám cháy, đồng thời báo ngay cho lực lượng bảo vệ, trông giữ xe để huy động các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập cháy.

- Sử dụng bình chữa cháy, chăn chiên … để dập tắt đám cháy. Đồng thời gọi điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 để báo cháy, cung cấp thông tin về đám cháy như: địa chỉ xảy ra cháy, người bị nạn, tình trạng đám cháy ... theo yêu cầu của lực lượng chức năng.

- Trường hợp đám cháy đã lan ra phạm vi rộng, cần yêu cầu mọi người trong khu vực xảy ra cháy sơ tán ra khỏi nơi nguy hiểm.

Tuân Nguyên