Lương Tài hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc ninh đến năm 2020”, huyện Lương Tài chủ động bám nắm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Chăm sóc rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại trang trại Hải Trâm, xã Minh Tân.
Hiện nay, toàn huyện hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản như: Các vùng chuyên canh lúa, rau màu hàng hóa, với các giống cây trồng mới: Lúa lai Syn6, GS9,Qưu số 1... ngô lai NK4300, HN88... cà rốt lai Ti 103, VL444 F1... khoai tây Atlantic, Diamant... lạc L14, L18... đậu tương DT84, DT99... được đưa vào sản xuất và mở rộng diện tích ở các xã Minh Tân, Lai Hạ, Mỹ Hương, An Thịnh... Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch được ứng dụng rộng rãi như: Sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở Quảng Phú; mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế bảo quản ở Minh Tân; sản xuất hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà kính ở Lôi Châu (An Thịnh)... Điển hình là mô hình trồng lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản cho thấy rõ hiệu quả kinh tế.
Từ năm 2016, trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng tía tô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại xã Lâm Thao của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, diện tích 11,3 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, trong đó 8,2 ha nhà kính trồng tía tô, 3 ha xây dựng các công trình phụ trợ khác như: Nhà xưởng, ao, hồ, đường đi, cây xanh... Đến nay, mô hình này vẫn đang là điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lương Tài.
Trong chăn nuôi, công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, máng ăn và nước uống tự động, xử lý chất thải bằng bể bioga, đệm lót sinh học, các tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi như lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu, gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng... được triển khai rộng rãi. Nhiều hộ áp dụng công nghệ nuôi cá thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi. Một số hộ nuôi thành công cá lồng trên sông Đuống, sông Thái Bình... cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/hộ chăn nuôi mỗi năm.
Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phạm Xuân Sản cho biết: Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị kinh tế/1 ha canh tác, nên Lương Tài mạnh dạn đi đầu trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 20 đến 30% giá trị sản xuất nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, một mặt, ngành chức năng của huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Trung ương đến từng hộ dân, từng mô hình sản xuất. Mặt khác, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Hồ Gươm, Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lương Tài, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hưng Gia Nguyễn, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH lợn giống DABACO Lương Tài... đầu tư vào lĩnh vực này, tạo nên bức tranh nông nghiệp đa sắc. Huyện còn hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong thử nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Lựa chọn công nghệ phù hợp, dễ áp dụng trong sản xuất, rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, ứng dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của địa phương mình, nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Nông nghiệp Lương Tài thực sự khởi sắc, tuy nhiên, để tạo thế phát triển ổn định, vững chắc thì huyện cần tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, nâng cao trình độ kỹ thuật của người dân. Hỗ trợ hơn nữa về vốn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô. Tìm thị trường tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng ép giá, bỏ thu mua... nhằm tạo niềm tin cho người nông dân yên tâm phát triển sản xuất.