Di tích lịch sử phường Vũ Ninh

17/06/2019 20:19 View Count: 2148

Phường Vũ Ninh nằm ở trung tâm thành phố Bắc Ninh. Tổng diện tích đất tự nhiên là 620,3ha được phân chia thành 8 khu phố, trong đó có 4 khu phố(trước đây là thôn) có từ khi thành lập xã Vũ Ninh  đó là khu Phương Vỹ, Thanh Sơn, Cô Mễ, Phúc Sơn, còn lại 4 khu phố được thành lập sau khi xã Vũ Ninh được chuyển thành phường đó là khu Suối Hoa, Công Binh, Đồng Trầm và Thanh An. Vũ Ninh là phường có truyền thống Văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng và phát triển

*Vũ Ninh là địa phương có truyền thống văn hóa, hiếu học, khoa bảng được lưu danh cụ thể như sau:

Vũ Ninh là vùng đất có truyền thống nho học, khoa bảng góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến sứ Kinh Bắc. Theo ghi chép trong văn bia tại Văn Miếu Bắc Ninh, dưới thời Lê – Mạc Vũ Ninh có những người thành đạt như sau:

-Nguyễn Sở Thùy sinh ra và lớn lên ở khu Thanh Sơn, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến Sĩ, khoa thi năm Bính thìn 1496, làm quan giữ chức Hiến Sát thời vua Lê Thánh Tông

-Vũ Tấn chiêu sinh ra và lớn lên ở khu Phương Vĩ, thi đỗ Đồng tiến sĩ, khoa thi năm Bính thìn 1496, làm quan giữ chức Tham chính.

-Vũ Quang Túc ở khu Phương Vĩ là con của Vũ Tấn Chiêu đỗ Tiến sĩ, khoa thi năm giáp tuất 1514, làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư thời vua Lê Tương Dực.

-Vũ Khắc Dụng cũng là con của Vũ Tấn Chiêu, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, khoa thi năm Quý mùi 1523, làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư và được ban tước Quận công.

-Lê Đình Tấn ở khu Phương Vĩ, thi đỗ Đệ tam đồng Tiến sĩ(tên đứng thứ 24), khoa thi năm Kỷ mùi 1499, làm quan đến chức Phó đô ngự sử thời vua Lê Hiển Tông.

Ngoài ra còn một số người họ Nguyễn ở khu Cô Mễ đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Ngự sử.

*Vũ Ninh là mảnh đất có truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng:

Trong công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc ta đã chứng minh Vũ Ninh là mảnh đất có truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, điều đó được thể hiện rất rõ qua cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược gần đây nhất. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang bước vào thời kỳ gay go, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi cả nước trường kỳ kháng chiến “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài, đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn

Còn non, còn nước, còn người

 Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Thực hiện lời Bác và hưởng ứng phong trào”Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” tuổi trẻ phường Vũ Ninh hăng hái lên đường vào Nam đánh giặc. Phát huy truyền thống anh dũng của quê hương đất nước, nhiều đồng chí chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc và trở thành cán bộ chỉ huy trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng thi đua với tiền tuyến ở hậu phương với khẩu hiệu”Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ và nhân dân địa phương lúc này đòi hỏi trong bất kỳ tình huống nào, dù khó khăn đến đâu cũng phải quyết tâm duy trì giữ vững sản xuất, bám đất, bám dân bảo đảm đời sống, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, nêu cao tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Với phong trào”Mỗi người làm việc bằng hai’; “Tay cày, tay súng” mọi người, mọi nhà vừa hăng say sản xuất, vừa đánh giặc. Đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu nghĩa vụ với nhà nước, chi viện đầy đủ sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, sẵn sàng chiến đấu đánh bại âm mưu chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược.

Chiến dịch lịch sử thành phố Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 thắng lợi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ của nhân dân ta, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, đồng bào nam bắc xum họp một nhà. Trong niềm hân hoan đón mừng chiến thắng chung của cả nước, nhân dân Vũ Ninh tự hào đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào thắng lợi đó. Ba trăm tám tư thanh niên vào bộ đội, mười bảy người tình nguyện vào thanh niên xung phong. Trong đó bẩy mươi bẩy đồng chí đã anh dũng hy sinh, sáu hai đồng chí để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường. Là một đơn vị luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghĩa vụ với nhà nước. Được đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý:

- 01 huân chương chiến công hạng ba.

- 04 huân chương (hạng nhất, nhì, ba) và nhiều huy chương các loại.

- 03 bà mẹ được phong tặng mẹ Việt Nam anh hùng.

- Tháng 11/2000 được nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

* Vũ Ninh vùng đất văn hiến có nhiều di tích và lễ hội:

Là phường có nhiều di tích và lễ hội, các di tích chủ yếu nằm ở các khu phố cũ. Tổng số các di tích gồm 5 ngôi đình, 5 ngôi chùa, 3 ngôi đền và một ngôi nghè. Trong đó có hai di tích được bộ Văn hóa công nhận di tích cấp Quốc gia là cụm di tích Đền Bà Chúa Kho(khu Cô Mễ) và Đền Quan Tam Phủ(khu Thanh Sơn) còn lại cụm di tích khu Phúc Sơn và khu Phương vỹ là di tích Văn hóa cấp tỉnh. Các di tích được xây dựng từ lâu đời và có kiến trúc cổ xưa cụ thể như sau:

-Đền Bà Chúa Kho:

Đền được xây dựng từ thời Lê kiến trúc theo kiểu chữ Tam, gồm 3 nếp nhà song song. Theo truyền thuyết, Bà là người phụ nữ có nhan sắc, đảm đang, tài giỏi và nhân hậu đã có công chiêu dân, dựng lập làng Quả cảm-Cô Mễ- Thượng Đồng giúp đỡ mọi người làm ăn đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ, hưng thịnh. Rồi Bà trở thành Hoàng Phi triều lý, giúp vua trong việc kinh bang đất nước giữ gìn kho lương của triều đình ở vùng núi Kho, làng Cô Mễ. Bà đã hy sinh vì sự nghiệp đánh giặc giữ nước vào ngày 12 tháng giêng âm lịch năm 1077. Nhà vua thương tiếc phong bà là Phúc Thần, nhân dân nhớ thương, tưởng nhớ đến công ơn của Bà đã lập đền thờ Bà trên núi Kho, nơi kho lương xưa trở thành trung tâm thờ phụng Bà. Mọi người vẫn gọi Bà với niềm tôn kính thân thuộc Bà Chúa Kho. Đền bà Chúa Kho cùng với hệ thống các công trình kiến trúc nghệ thuật của làng Cô Mễ là Đình và Chùa được Bộ Văn hóa công nhận di tích Văn hóa cấp Quốc gia năm 1989. Lễ hội được tổ chức trong 3 tháng( từ tháng 12 âm lịch năm trước đến hết tháng 2 âm lịch năm sau).

-Đình Cô mễ : Đình được xây dựng vào thời Lê năm 1681, có kiến chúc kiểu chữ nhất, với 3 gian tiền tế, 2 trái hậu cung là phần của gian giữa, bộ khung gỗ lim chắc khỏe, mái ngói đao cong, các bức cốn trang trí, chạm nổi tinh xảo. Đình thờ thánh Tam Giang là những danh tướng có công đánh giặc vào thế kỷ thứ XVI. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 10/8 âm lịch.

-Chùa Cô Mễ( Quế Hoa Tự): Được xây dựng cuối thế kỷ thứ XIX, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được kiến trúc Lê-Nguyễn. Chùa có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tiền đường 5 gian 2 trái, các bức cốn được chạm nổi theo đề tài tứ linh, tứ quý, năm 1988 chùa được xây dựng thêm 3 gian nhà Tổ. Chùa thờ Tổ và thờ Mẫu. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 15 tháng riêng âm lịch.

Đình- đền- chùa Cô Mễ được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1989

-Đền Quan Tam Phủ: Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam gồm 3 nếp nhà song song với 7 gian Tiền đường, 4 gian Trung từ và 3 gian Hậu cung, bộ khung gỗ, mái lợp ngói ta, nền lát gạch thường, đền thờ đức thánh mẫu Liễu Hạnh, được công nhận xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1994. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 22/2 âm lịch.

-Đình Thanh Sơn(Đình 5 giáp): Theo truyền thuyết thì xưa kia làng Thanh Sơn được chia thành 5 giáp mà đình làng chỉ đủ cho 4 giáp ngồi còn thừa 1 giáp nên các cụ xóm Thượng về tự xây dựng lập lên đình Thượng để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của giáp mình. Trong chiến tranh đình bị tàn phá, sau được nhân dân xây dựng lại theo kiểu chữ Nhất gồm 5 gian cột bê tông, mái lợp ngói ta, đình thờ Tam vị Đại vương là những người có công theo Quang Trung đánh giặc Thanh. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2013. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 10/8 âm lịch.

-Chùa Thanh Sơn( Nguyệt Quang Tự): Được xây dựng vào thời Lê, đến năm Khải Định 1922 chùa được trùng tu. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Tiền đường, 3 gian thượng điện, bộ khung gỗ 1 tầng 2 mái tay ngai, trang trí hoa văn đơn giản. Chùa thờ Mẫu và thờ Tổ, được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh năm 2007. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 18 tháng giêng âm lịch.

-Đình Phúc Sơn: Được khởi dựng từ thời Lê(Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có kiến trúc kiểu Nội công ngoại quốc gồm 3 gian tiền tế, 1 tầng 2 mái tay ngai, 5 gian Đại đình 6 hàng cột ngang, 3 hàng cột dọc, khung gỗ chắc khỏe, 2 gian Ống muống, Hậu cung 3 gian có 2 hàng cột dọc và 2 hàng cột ngang. Đình thờ Tản viên Sơn Thánh Quý Minh Đại vương, được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2004. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 10/8 âm lịch.

-Chùa Linh Quang : Chùa được xây dựng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tiền đường 5 gian 2 trái, Thượng điện 2 gian, bộ khung gỗ 1 tầng 2 mái tay ngai, các bức cốn được chạm nổi hoa lá cách điệu. Chùa thờ Phật và thờ Hậu Phật, được  xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2016. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 11 tháng giêng âm lịch.

-Chùa Chân Kim: Chùa được xây dựng từ lâu đời, lúc đầu chỉ là một cái Miếu nhỏ sau được xây dựng phát triển thành chùa nên chỉ có tòa Thượng điện là xây dựng từ xưa, năm 1994 nhân dân trùng tu Thượng điện và xây dựng thêm Tiền đường, đến năm 2009 xây dựng Tam quan. Kiến trúc của chùa theo kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 3 gian 2 trái, thượng điện 1 gian 2 trái, quá giang gác tường, bộ khung gỗ 1 tầng 2 mái tay ngai, Chùa thờ Phật và thờ Hậu Phật. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 11 tháng giêng âm lịch.

-Đình Phương Vĩ: Đình được xây dựng vào thời Lê, do chiến tranh đình bị tàn phá, đến năm 1992 được nhân dân xây dựng lại, năm 1994 dựng lại Tiền tế bằng bộ khung gỗ cũ của đình, năm 2007 làm thêm 3 gian Tiền tế. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền tế 5 gian, hậu cung 1 gian, bộ khung gỗ bào trơn đóng bén, Tiền tế 3 gian, khung bê tông cốt thép, mái lợp gói ta. Theo thần tích sắc phong đình thờ Ngũ vị Đại vương, làm tướng dưới thời Lý Nam Đế có công phò vua giúp nước đẩy lùi quân Lương la vệ thành Ô Diên. Đình được  xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2002. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch.

-Chùa Phương Vĩ(Phúc Lâm Tự): Chùa được xây dựng từ lâu đời, năm 2003 chùa được trùng tu lại, chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm Tiền điện 5 gian, Thượng điện 1 gian 2 trái, bộ khung gỗ 1 tầng 2 mái tay ngai, Chùa thờ Phật, thờ Tổ, thờ hậu Phật và thờ Mẫu. Chùa được  xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2002. Lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 28 tháng giêng âm lịch.

-Nghè Phương Vĩ: Nghè được xây dựng từ lâu đời, khang trang với cột gỗ lim to, do chiến tranh nghè bị tàn phá, năm 1997 nghè được xây dựng lại với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian Tiền tế, 1 gian hậu cung, mái lợp ngói ta. Nghè thờ Ngũ vị Đại vương. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12/8 âm lịch.

 Là địa phương nằm trong vùng Kinh Bắc có nhiều di tích lịch sử đình, đền, chùa nên Vũ Ninh có nhiều lễ hội, các lễ hội đền, chùa chủ yếu được diễn ra vào tháng riêng và tháng 2 âm lịch còn lễ hội các đình làng thì được tổ chức vào tháng 8 âm lịch, các lễ hội thường được tổ chức từ 1- 2 ngày, riêng lễ hội đền Bà Chúa Kho được tổ chức trong 3 tháng. Lễ hội là phong tục cổ truyền có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Có giá trị văn hóa tinh thần. Thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận công lao đóng góp của các bậc tiền nhân, các nhân vật lịch sử trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước. Đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống  yêu nước, lòng tự hào của dân tộc, phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý của chính quyền địa phương cơ sở, sự sáng tạo của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nếp sống văn minh nói chung và văn minh lễ hội nói riêng. Trong lễ hội thường được tổ chức các trò chơi dân gian, hát giao lưu quan họ, đặc biệt là hát Quan họ trên thuyền tạo không khí tươi vui trong ngày hội. Các hoạt động lễ hội được tổ chức đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả, an toàn theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa truyền thống và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

Source: UBND phường Vũ Ninh