phường Đình Bảng

26/12/2016 09:32 View Count: 17396

        Đình Bảng là 1 phường của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập từ làng Đình Bảng gồm 16 khu phố. 

        Từ năm 1963 đến năm 1996, Đình Bảng thuộc huyên Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.

        Ngày 01/01/1997 tỉnh Bắc Ninh được tái lập, Đình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 01/9/1999 Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh sau khi tách huyện Tiên Sơn thành 2 huyện Tiên Du và Từ Sơn. Tháng 10/2008 thành lập thị xã Từ Sơn, xã Đình Bảng được chuyển thành phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

1. Vị trí địa lý

Phía Đông Bắc giáp phường Tân Hồng, Bắc giáp phường Trang Hạ, Tây Bắc giáp phường Châu Khê, Nam giáp xã Ninh Hiệp, (huyện Gia Lâm - Hà Nội), Đông Nam giáp xã Phù Chẩn, Tây giáp xã Yên Thường (huyện Gia Lâm - Hà Nội).

Đình Bảng ngày nay là một trong 12 đơn vị xã, phường của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng, thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, trải dọc theo đường Quốc lộ 1A và đường sắt Hà - Lạng chạy qua, với chiều dài 2,5km, cách thủ đô Hà Nội 16km về phía Bắc, thuận tiện cho việc giao lưu về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng,…Toàn phường có 2 cụm công nghiệp lớn và nhiều khu riêng lẻ với trên 120 doanh nghiệp lớn nhỏ là người địa phương.

2. Lịch sử

         Làng Đình Bảng trước đây được khai khẩn từ rừng Báng nên gọi là làng Báng, sau được đổi tên thành thôn Cổ Pháp. Khi đình Báng được xây dựng và nổi tiếng mọi người biết đến Cổ Pháp qua đình Báng và được gọi lái đi là làng Đình Bảng.

        Đình Bảng xưa vốn thuộc hương Cổ Pháp (hương là đơn vị hành chính cổ gồm nhiều xã, làng), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Hương Cổ Pháp và rộng hơn là vùng hai bờ sông Thiên Đức và sông Tiêu Tương nối từ Gia Lâm ngày nay qua Đình Bảng tới Tiêu Sơn chính là nơi phát tích của nhà Lý.

         Đình Bảng được coi là vùng quê địa linh nhân kiệt. Đây là nơi phát tích vương triều Lý, là quê hương của Lý Thái Tổ - người khởi lập triều Lý, khai sáng Thăng Long Hà Nội.

        Đình Bảng giáp Hà Nội là cửa ngõ mở thông lên phía Bắc nên nơi đây có phong trào cách mạng sôi nổi, là an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám (1940- 1945). Nơi tổ chức Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII đã họp tại nhà Đám Thi ở Đình Bảng từ ngày 9 đến 11/11/1940. Làng Đình Bảng đã vinh dự đượcBác Hồ về thăm 3 lần (lần 1 ngày 13/9/1945, lần 2 ngày 5/2/1946 - tức mồng 4 Tết Bính Tuất, lần 3 ngày 30/10/1946) và các cán bộ cách mạng như Trường Trinh (Nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương), Hoàng Quốc Việt (Ủy ban thường vụ Trung ương Đảng), Hoàng Văn Thụ,...

       Nhân dân Đình Bảng được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất, bằng " CÓ CÔNG VỚI NƯỚC ", lá cờ THIẾU NIÊN ANH DŨNG do chính phủ và Trung ương đoàn thanh niên cứu quốc, lá cờ ủy ban Kháng chiến chiến khu 12 tặng dân quân xã Đình Bảng, lá cờ TUỔI TRẺ VÌ HÒA BÌNH của liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới tặng đội thiếu niên du kích xã Đình Bảng

         Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, những kết tinh văn hóa vật thể như Đình, Chùa, Đền, miếu và cả những giá trị văn hóa phi vật thể dạt dào đằm thắm của những âm hưởng dân ca quan họ như đã nói lên tất cả. Người dân Đình Bảng dũng cảm trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Bất cứ thời đại nào, giai đoạn lịch sử nào, nhân dân Đình Bảng cũng đoàn kết, đấu tranh kiên cường chống thiên tai và giặc ngoại xâm, đổ mồ hôi, xương máu xây dựng quê hương bình yên, viết nên những trang sử hào hùng.

         Trong suốt chiều dài lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng cùng với nhân dân cả nước đã anh dũng kháng chiến đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện thắng lợi, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Xưa Đình Bảng là làng kháng chiến kiểu mẫu. Nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong suốt chặng đường lịch sử 8 thập kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân, lực lượng vũ trang, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; Bằng có công với nước; Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương lao động hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác trong thời kỳ đổi mới.

3. Địa điểm-địa danh-danh nhân-đặc sản nổi tiếng

          Đình Bảng là quê hương các vị vua triều Lý và là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Nơi đây có cả một cụm di tích lịch sử hóa đậm bản sắc dân tộc của Làng cũng là của Nước, phong phú các loại hình:

- Đền Đô: thờ 8 vị Vua nhà Lý

- Đền Rồng: thờ Lý Chiêu Hoàng

- Chùa Dận: nơi Lý Công Uẩn ra đời

- Chùa Kim Đài: thờ Lý Khánh Văn

- Thọ Lăng Thiên đức: Khu lăng mộ, nơi yên nghỉ của 8 vị Vua Nhà Lý, và lăng mộ của Lý Thánh Mẫu Phạm Thị, Nguyên Phi Ỷ Lan.

- Chùa Quang Đổ: nhiều huyền tích

- Đình Đình Bảng: kiến trúc tuyệt xảo

- Nhà Tam Tự đường dòng họ Nguyễn Thạc

- Nhà cụ Đám Thi: di tích cách mạng

- Dấu tích Sông Tiêu Tương

         Đình Bảng có 5 Trường học (1 trường THCS, 1 trường tiểu học và 3 Trường mầm non), tất cả các Trường đều đạt chuẩn và nhiều năm liên tục đạt danh hiệu tiên tiến xuất cấp tỉnh. Hiện nay trên toàn phường hiện có 23 vị giáo sư, tiến sỹ; nhiều sĩ quan cao cấp trong QĐND và CAND Việt Nam.

         Đình Bảng có đặc sản nổi tiếng với rượu nấu từ nếp cái hoa vàng, bánh phu thê, giò lụa,…

4. UBND phường Đình Bảng

        Cơ cấu tổ chức của UBND phường Đình Bảng gồm lãnh đạo Đảng ủy - HĐND - UBND và các phòng ban chuyên môn. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc quản lý và điều hành còn có các ông, bà là Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố trực tiếp quản lý và điều hành công việc tại các khu phố.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức của UBND phường Đình Bảng

Source: phường Đình Bảng