Di tích lịch sử - văn hóa

07/08/2019 16:44 View Count: 1052
Di tích lịch sử - văn hóa

+ Nhà thờ Nguyễn Hữu Nghiêm:

Đền thờ thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm được khởi dựng thời Lê, đời vua Lê Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 4 (1666). Đền xưa hình chữ công, gồm 3 gian tiền tế và một chuôi vồ, bên trong có bức đại tự chữ Hán "Vạn cổ cương thường". Đền thờ Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm hiện tọa lạc trên thửa đất số 93 với tổng diện tích là 187m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, so với thời điểm lập hồ sơ xếp hạng đền vào năm 2003, đất đai của di tích đã có sự biến động và thay đổi về diện tích, cụ thể: theo hồ sơ xếp hạng di tích đền thờ Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm (gồm sơ đồ đất đai khu vực bảo vệ di tích và biên bản khoanh vùng khu vực bảo) thì đền đã có diện tích là 77m2

Đền hiện nằm ở giữa làng, quay hướng Đông, xung quanh giáp khu dân cư đông đúc trù mật. Hiện đền thờ có kiến trúc hình chữ Nhị, gồm các công trình: Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 3 gian 2 dĩ, khung gỗ, kết cấu bộ vì theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi”, cửa để thông tiền và hậu, 2 hồi xây gạch kín. Hậu cung 4 gian 2 dĩ, kiến trúc kiểu một tầng 2 mái tay ngai, 2 bên hồi xây cột trụ đắp hình trái dành,  cửa mở 4 gian, hệ thống cửa bức bàn thượng song hạ bản. Bộ khung gỗ liên kết bởi 4 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc, kết cấu bộ vì theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ bẩy hiên”. Nhân vật được thờNguyễn Hữu Nghiêm (1491-1525), người xã Phúc Khê (nay là Thọ Khê), năm 18 tuổi đỗ Đệ nhất tiến sỹ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời vua Lê Uy Mục, làm quan đến chức Thượng thư, trưởng Hàn lâm viện sử.

+ Đình làng Thọ Khê:

Đình đã được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, quyết định số Số 1008/QĐ-UBND ngày 24/9/2014. Đình Thọ Khê hiện tọa lạc trên thửa đất số 328 với tổng diện tích là 7.969m2. Hiện đình Thọ Khê gồm tòa Đại đình có kiến trúc hình chữ đinh gồm: Tiền đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời, cửa mở 3 gian giữa, hệ thống cửa bức bàn, 2 gian chái xây trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn. Bộ khung được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, liên kết bởi 6 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang cùng với hệ thống xà, kẻ. Bộ vì kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng, câu đầu, cốn, bẩy”.Đình Thọ Khê thờ phụng Tứ vị Thành Hoàng có công âm phù và đánh giặc Chiêm Thành vào thời vua Lê Thánh Tông.01 bản thần tích thời Nguyễn, 04 ngai, bài vị, 04 ngựa gỗ, 01 bộ chấp kích, 01 bộ bát bửu, 01 đôi hạc thờ, 02 hoành phi, 05 đôi câu đối; Trong một năm có rất nhiều sự lệ diễn ra tại đình Thọ Khê như: Kỷ niệm ngày Thánh đản, ngày Thánh hoá, ngày nhận sắc; lễ thượng điền, hạ điền, lễ sóc, vọng hàng tháng…Tuy nhiên sự kiện văn hoá tín ngưỡng quan trọng nhất được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm, tục gọi là “vào đám”, hay “vào hội”.

+ Đình làng Đông Bích:

Đình Đông Bích được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) được trùng tu mở rộng với quy mô lớn, gồm 2 tòa: Tiền tế 5 gian, Đại đình 3 gian 2 chái với bốn mái đao cong, Hậu cung 1 gian; bộ khung gỗ chạm khắc “ Tứ linh tứ quý” lộng lẫy, tinh xảo, nghệ thuật. Song do trải lâu năm  ngôi đình cổ bị xuống cấp trầm trọng buộc phải tháo dỡ. Đến năm 2005, nhân dân địa phương cùng nhau công đức xây dựng lại ngôi đình quy mô to lớn, dáng vẻ truyền thống. Đình Đông Bích được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, QĐ số 1048/QĐ-UBND, ngày 17/09/2015. Hiện nay, đình gồm 2 toà: Tiền tế và Đại đình, kết cấu theo kiểu “ tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh”. Tiền tế 1 gian làm theo kiểu Phương đình chồng diêm 2 tầng mái đao cong, bộ khung gỗ lim chạm khắc “tứ linh tứ quý” tinh xảo nghệ thuật. Tòa Đại Đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm: Tiền đình 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, mở ở 3 gian giữa, hệ thống cửa theo kiểu thượng song hạ bản. Bộ khung làm bằng 3 loại gỗ ( lim, sến, táu) to khỏe vững chắc, vì nóc kiểu “con chồng, giá chiêng, cốn, bẩy”, liên kết với 6 hàng cột dọc và 8 hàng cột ngang.Trên các bộ phận kiến trúc như con rường, đầu dư, cốn, bẩy được chạm khắc công phu, tinh xảo, nghệ thuật Rồng bay, Phượng múa, Lân chầu... Hậu cung 1 gian, vì nóc theo kiểu “chồng rường”, liên kết 2 hàng cột dọc và 2 hàng cột ngang, tường xây bít hai bên hồi và hậu. Nhân vật được thờCăn cứ vào “Thần tích Thần sắc” của đình Đông Bích, thì đình Đông Bích thờ ba vị Thần được phong mỹ tự là “Nhạc sơn thiên tử niêm định anh linh chí đức thông minh chính trực đại vương”, “Hoàng hậu diệu minh thuần hỗ gia hạnh đoan từ tĩnh nhất công chúa”, “Hậu thổ đoan trang phương dung lệnh nghi ôn hòa trinh thục phu nhân”.Các hiện vật tiêu biểu: 01 bản kê khai thần tích năm 1938, 08 sắc phong, sắc cổ nhất có niên đại Vĩnh Khánh nhị niên -1732 và sắc muộn nhất năm Cảnh Thịnh tứ niên - 1796), 01 ngai, bài vị thời Nguyễn, 01 sập thờ thời Nguyễn, 01 bát hương thời Nguyễn, 03 hoành phi,13 đôi câu đối, 01 bộ bát bửu, 01 đôi hạc thờ, 01 bộ long đình, 01 bộ đỉnh đồng, 01 ngựa thờ.Hàng năm, xưa kia cứ đến ngày 4 tháng Giêng, đình Đông Bích lại đư­ợc mở hội và kéo dài đến ngày 21 tháng Giêng và tục gọi là vào Đám. Về sau, dân làng lấy ngày 12 tháng Giêng để mở hội. Vào hội, ngay mùng 3 đình đã được mở cửa để chuẩn bị cho đình đám hội hè. Sáng mồng 4, làng tổ chức lễ “Vật cầu” tức tổ chức thi cướp cầu và đây là nghi lễ tín ngưỡng của làng những làng Việt cổ làm nông nghiệp để cầu mùa màng tươi tốt, phong đăng hòa cốc.

Hoàng Thành