Đường Hồ Chí Minh trên biển - Thiên anh hùng ca bất tử
Có lẽ, không có con đường nào có sức mạnh thần kỳ và thể hiện tính độc đáo, sáng tạo như đường Hồ Chí Minh trên biển. Thời gian có thể làm mục nát những cột buồm, han rỉ những vỏ tàu sắt, nhưng huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử.
Tàu vạn tải đoàn 125 cải dạng tàu đánh cá, trên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam tháng 4/1966. (Ảnh tư liệu)
Huyền thoại vượt giới hạn con người
Theo Hiệp định định Geneva năm 1954, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời chờ tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.
Miền Bắc bước vào thời kỳ cách mạng mới và bước đầu xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ cố tình phá vỡ Hiệp định, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, dựng lên chính quyền Việt Nam cộng hòa và ra sức đàn áp, khủng bố những người tham gia kháng chiến.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền.
Đảng chủ trương chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu trang vũ trang. Từ đó, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân (thường gọi đoàn tàu “không số”) để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển.
Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng 13 cán bộ đảng viên rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn) lên đường vào Nam Bộ.
Khu di tích K15, Đồ Sơn, Hải Phòng - nơi con tàu đầu tiên và những con tàu tiếp đó của đoàn tàu không số xuất phát chở vũ khí vào chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
Sáng ngày 19/10, tàu Phương Đông I vào cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng (xóm Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Năm Căn, Cà Mau) an toàn.
Tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông. 30 tấn vũ khí lúc đó đối với chiến trường xa nhất là Nam Bộ hết sức quý giá, có ý nghĩa rất lớn bởi chính số vũ khí ấy đã giúp cho quân dân ta làm nên các chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài...
Với vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước nhưng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển luôn vô hình trước sự sục sạo của kẻ thù.
Năm 1972, khi giặc Mỹ cho máy bay leo thang ném bom miền Bắc, chúng còn đưa cả máy bay B52 thực hiện các chiến dịch “rải thảm” bom đạn.
Trong số đó, Hải Phòng là một trong những trọng điểm bắn phá, là “túi bom” của địch. Nhưng từ bến K15, những chuyến tàu không số vẫn lặng lẽ rời bến chở vũ khí vào Nam, con đường vẫn được giữ bí mật, bến cảng K15 cũng được giữ bí mật.
Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm 5 tuyến đi có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý (hơn 22.000km) (Ảnh: Bảo tàng Quân chủng Hải quân)
Hàng nghìn con người cùng một niềm tin, ý chí giữ bí mật con đường. Kể cả khi đã lên tàu, không ai biết về con đường, nhiệm vụ của mình. “Ngay trên con tàu chỉ có thuyền trưởng và chính trị viên biết nhiệm vụ của tàu còn từ các ngành trưởng và chiến sỹ không một ai biết nhiệm vụ của con tàu đi đâu và làm gì, thậm chí họ cũng không biết hàng hóa trên tàu là gì. Chỉ biết cứ nhấc lên, xếp lên tàu. Xong. Hành trình là đi có thế thôi” - ông Tô Hải Nam nguyên chiến sỹ đoàn tàu “không số” kể lại.
Tranh thủ thời gian giặc Mỹ ngừng đánh phá, những chiến sỹ đoàn tàu “không số” tranh thủ ngày đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút để bốc, chuyển hàng hóa.
Những chuyến tàu cũng liên tục xuất bến chạy đua cùng thời gian, chạy đua với từng trận đánh. Càng sóng to, gió lớn, mưa bão thì ta lại càng đi nhiều. Ngoài sóng gió, những cơn bão biển lúc nào cũng như muốn nuốt chửng những con tàu nhỏ bé, những con tàu “không số” còn luôn phải đối mặt với cả Hạm đội 7 hùng mạnh bậc nhất của địch luôn rình rập ở biển Đông.
Nhưng bằng niềm tin chiến thắng, những con tàu “không số” đã luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đã vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa đạn dược, vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc.
Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển, đoàn tàu “không số” đã dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển với hệ thống gồm 5 tuyến đường khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế của từng thời kỳ.
Với tinh thần quả cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua sóng gió, sự phong tỏa gắt gao, ác liệt, của kẻ thù, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 125 đã lập nên những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cụ thể, từ năm 1961 đến năm 1975, Đoàn 125 đã huy động gần 1.900 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lý trên biển, vận chuyển trên 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và trên 80.000 lượt cán bộ chiến sỹ từ Bắc vào Nam.
Các chiến sỹ đoàn tàu “không số” đã hơn 30 lần trực tiếp chiến đấu với tàu địch, đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay tập kích.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, trở thành biểu tượng của ý chí giải phóng dân tộc- huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Nghi thức thả vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ tàu Không số đã hy sinh.
Những con người làm nên thiên anh hùng ca bất tử
Nhiều năm đã trôi qua, biển xanh đã xóa đi tất cả, nhưng dấu ấn về một con đường vận tải trên biển, con đường của những huyền thoại và những chiến công thầm lặng của những người lính biển anh hùng thì vẫn sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam.
Biết bao nhiêu chiến sỹ đã không trở về, để bảo toàn lực lượng, giữ bí mật và tiêu diệt địch. Ra đi là xác định hy sinh, trước mỗi chuyến đi đều dự lễ truy điệu sống đồng đội và của chính mình.
Gần 100 chiến sỹ - những người con ưu tú của đoàn tàu “không số” đã ngã xuống trên biển, trong đó chỉ duy nhất 1 người là tìm được hài cốt.
Tiêu biểu như tàu 41, 42, 154… các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu… là điển hình của những tập thể, cá nhân anh hùng sống mãi với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, mãi mãi cùng con tàu ở lại với biển, với non sông đất nước.
Họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa, người có hai chuyến đi-về đều mang ý nghĩa mở đầu, góp phần quan trọng hình thành tuyến đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Ông chính là một trong 7 chiến sỹ nhận nhiệm vụ đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam và cũng là người có mặt (với tư cách là Chính trị viên) trên chuyến tàu chở 30 tấn vũ khí đầu tiên từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Dù trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm nhưng cả 2 chuyến đi đều thành công, tạo động lực to lớn đối với quân ta lúc bấy giờ.
Vịnh Vũng Rô gắn liền với bến tàu không số huyền thoại.
Đó còn là Thuyền trưởng Lê Văn Một, người đã chèo lái con tàu “không số” đầu tiên (cùng Bông Văn Dĩa là Chính trị viên) vượt biển Đông mở đường tiếp viện quan trọng đưa vũ khí vào miền Nam đánh Mỹ.
Hay như Trung tá Vũ Văn Tính, người được mệnh danh là “người ngắm sao trời dò đường đi,” nhiều lần đưa các chuyến tàu không số cập bến an toàn mà không cần đến các thiết bị hàng hải. Cả 18 lần vào Nam ra Bắc cùng đoàn tàu “không số”, trung tá Vũ Văn Tính đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đưa tàu cập bến an toàn.
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ảnh, người chỉ huy chuyến tàu sắt đầu tiên cập bến an toàn. Suốt 6 năm làm nhiệm vụ, trung tá Nguyễn Ngọc Ảnh đã có 10 chuyến đi-10 chuyến về thành công.
Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh người đã chỉ huy anh em kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch; nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết.
Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu, người mà trong lúc gian nguy đã yêu cầu tất cả các chiến sỹ nhảy xuống biển, bơi ra xa, còn mình ở lại, điểm hỏa cho tàu nổ tung cùng với tàu địch…
Còn rất nhiều, rất nhiều chiến sỹ khác, những người đã cống hiến tuổi trẻ, tài năng và cả sinh mạng của mình trong những chuyến ra khơi.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu, của các con tàu “không số,” của quân và dân các bến bãi, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển”.