Hội nghị trực tuyến thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp
(BNP) - Chiều 14/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy số hóa ngành Nông nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương cùng đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã quan tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong toàn ngành, qua đó, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Trong đó, việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số trong các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, chăn nuôi, trang trại đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng, áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, cho ăn và cấp nước uống tự động; quản lý, theo dõi chăn nuôi bằng phần mềm… góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh.
Ngoài ra, đa số nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Thống kê đến tháng 12/2023, cả nước có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện…
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành NN&PTNT cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế; thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng nền tảng, phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu liên thông; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học vẫn chưa theo kịp thực tiễn sản xuất; sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi giá trị gắn với nền tảng số trong nông nghiệp còn hạn chế…
Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao ngành Nông nghiệp đã nỗ lực, cố gắng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số, đạt được những thành quả bước đầu, giúp từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Nhấn mạnh những hạn chế về thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; hạ tầng số, số hóa dữ liệu, thiếu nhân lực… hiện nay đã và đang được Chính phủ chỉ đạo khẩn trương khắc phục, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính ngành Nông nghiệp; chú trọng phát triển cơ sở dữ liệu trong ngành, hợp nhất để có hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ, tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ ngành Nông nghiệp, người nông dân trong thực hiện chuyển đổi số. Các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin làm đầu mối cung cấp dữ liệu cho ngành trong quá trình thực hiện.
Đại diện các địa phương, doanh nghiệp dự hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.
Nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, phát biểu kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đề nghị ngành NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan bám sát Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Nông nghiệp cho phù hợp. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham khảo cách làm hay của các địa phương trong cả nước về thực hiện số hóa ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh giới thiệu các mô hình chuyển đổi số hay của ngành trên địa bàn tỉnh để tạo sự lan tỏa.
Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu triển khai tập huấn cho các đối tượng tham gia chuyển đổi số (doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã) trong ngành Nông nghiệp; phát triển các giao dịch trực tuyến, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử nhằm thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.