Đình, chùa làng Thượng Đồng
(BNP) – Đình, chùa làng Thượng Đồng (hay còn gọi là đình, chùa Lẫm) là một quần thể di tích nằm trên khu đất đắc địa phía Đông Bắc khu phố Thượng Đồng, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, mặt quay hướng Đông Nam, phía trước mặt là ao, các phía còn lại giáp khu dân cư.
Toàn cảnh đình, chùa làng Thượng Đồng.
Hiện nay đình Thượng Đồng có bình đồ kiến trúc kiểu chữ Đinh, là sự liên kết của hai toà Đại đình và Hậu cung, mặt quay hướng chếch Đông Nam.
Đình Thượng Đồng.
Toà Đại đình 5 gian chia không đều liên kết 4 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc. Hậu cung 2 gian chạy sâu 5m. Bộ khung toà Đại đình được chia thành 6 bộ vì theo kiểu “thượng chồng giường, hạ câu đầu, kẻ bẩy”, hệ thống cột to khoẻ, toà Hậu cung có các bộ vì kiểu “kẻ truyền”. Toàn bộ khung đình được gia công bào trơn, đóng bén. Hệ thống cửa thượng song hạ bản mở 3 gian giữa hai hồi trổ cửa nhỏ hình chữ thọ. Đặc điểm kiến trúc hiện nay của đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Tam bảo chùa Thượng Đồng.
Chùa Thượng Đồng hiện nay bao gồm các hạng mục công trình như: Tam bảo, nhà tả vu, hữu vu, nhà Tổ, nhà Tăng, cổng tam quan cùng xung quanh sân vườn cây cối thâm nghiêm xanh tốt. Tòa tam bảo có kết cấu kiến trúc mặt bằng hình chữ Đinh, 5 gian Tiền đường, 3 gian Thượng điện sâu vào trong 6m. Toàn bộ phía trước cửa để thoáng thông với đình. Bộ khung gỗ được kết cấu bởi các cấu kiện gỗ to mập, với sự trợ lực của 42 chiếc cột to khoẻ, cột cái chu vi 1,4m. Ở đây người thợ chủ yếu chỉ gia công kỹ thuật bào trơn, soi gờ, lắp ghép, còn phần chạm trổ trang trí lại chỉ tô điểm một vài dải mây lửa, rồng hoá trên một số bức cốn, bẩy, kẻ...
Hệ thống cửa thượng song hạ bản mở 3 gian giữa hai hồi trổ cửa nhỏ hình chữ thọ.
Đình thờ 2 vị thần: Bà chúa Lẫm là người làng Quả Cảm, vợ vua Trần Anh Tông được vua ban 72 trang ấp làm bổng riêng. Sau khi mất được nhân dân 72 trang ấp thờ làm phúc thần. Vị thần nữa được thờ ở đình Thượng Đồng là Cao Sơn đại vương - “Ngài họ Cao tên là Hiến người Bảo Sơn, thời Minh thi đỗ Tiến sĩ làm đến chức Nguyên Soái - khi mất vua phong làm Cao Sơn đại vương - lệnh cho các chư hầu lập đền thờ. Thời vua Tương Dực, Cao Sơn phù cho nghiệp vua, vua lệnh cho các nơi có tên là Cao Sơn đều lập đền thờ.
Phần chạm trổ trang trí tô điểm một vài dải mây lửa, rồng hoá trên một số bức cốn.
Giống như hầu hết các ngôi chùa trên làng quê Việt Nam chùa Thượng Đồng khởi dựng lên từ lâu đời để thờ Phật, thờ Mẫu, thờ các vị tổ sư là trung tâm sinh hoạt tôn giáo đạo Phật của nhân dân địa phương.
Hệ thống cột to khỏe.
Hiện Đình, Chùa Thượng Đồng còn lưu giữ nhiều hiện vật như: Hệ thống tượng phật được tạo tác thời Nguyễn, Bia đá, đạo sắc phong, hoành phi, câu đối…
Hệ thống tượng phật tại chùa.
Lễ hội làng Thượng Đồng tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ba năm lại tổ chức rước sắc 1 lần.
Bức hoành phi.
Ngày 10 là chính hội diễn ra tục rước sắc từ đình sắc ra đình mới. Đám rước có đầy đủ cờ, kiệu, tàn lọng, ngai thờ, siêu đao, bát bửu, trống, chiêng, bát âm, sinh tiền.
Ban thờ Bác Hồ.
Sau đó tổ chức tế lễ tại đình, lễ vật tế thánh gồm có xôi, gà, lợn, hoa quả, hương đăng, trầu rượu, nghi lễ tổ chức hết sức trang nghiêm. Sau phần tế lễ rước Thành hoàng làng là đến phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: hát Quan họ tại ao đình, tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm, cờ người, cầu thùm, bắt vịt, đập niêu... Những ngày lễ hội ở đây đã thực sự thu hút đông đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui tươi, lành mạnh.
Chiêng đồng.
Cây đa trước cổng đình, chùa Thượng Đồng.
Đình, chùa Thượng Đồng được Bộ Văn hóa thể thao cấp bằng công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 372-VH/QĐ ngày 10/03/1994.