Chỉ đạo, điều hành nổi bật của lãnh đạo tỉnh từ ngày 4 - 10/1
(BNP) – Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025; Kiểm soát công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề, Cụm công nghiệp; Xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; Thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… là những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 4 - 10/1.
Tăng cường quản lý, tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân
Tại văn bản số 5089/UBND-KGVX, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng gắn với các hoạt động vui Xuân, đón Tết, tạo nhiều sân chơi bổ ích tại các khu vui chơi, giải trí, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng phục vụ Nhân dân với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Tham mưu, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động lễ hội, vui Xuân, kỷ niệm ngày truyền thống... thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Kiểm soát công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề, Cụm công nghiệp
Tại văn bản số 33/UBND-NN.TN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất và công tác BVMT của các làng nghề, CCN trên địa bàn; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề, CCN; chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về BVMT; rà soát cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, cơ sở hộ gia đình không thực hiện kế hoạch chuyển đổi ngành nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài đưa vào kế hoạch chuyển đổi ngành nghề tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, CCN, đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, CCN không đủ điều kiện sản xuất mà di chuyển máy móc, thiết bị sản xuất sang các làng nghề, CCN khác trên địa bàn tỉnh để sản xuất và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, các nhiệm vụ trọng tâm
Tại văn bản số 06/UBND-KTTH, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đơn vị có dự án sử dụng ngân sách thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Rà soát cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian trong công tác thẩm định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra về việc thực hiện, tiến độ triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý. Xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có hình thức xử lý các nhà thầu chậm tiến độ.
Phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải ký Quyết định số 820/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tại hộ gia đình, cá nhân, các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì, thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển.
Đối với khu vực công cộng, điểm tập trung dân cư, trên các tuyến đường trang bị các thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt để phân loại thành 03 loại; bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu cam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh chứa chất thải thực phẩm; màu vàng đựng chất thải sinh hoạt khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại. Các thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt phải có kích cỡ phù hợp với thời gian lưu giữ, đảm bảo môi trường và mỹ quan đô thị.
Tại văn phòng, trụ sở các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, Cụm công nghiệp trang bị các thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt để phân loại thành 03 loại; bố trí các thùng rác sinh hoạt có phân biệt màu (màu cam chứa chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; màu xanh chứa chất thải thực phẩm; màu vàng đựng chất thải sinh hoạt khác). Trên thân thùng được in hình ảnh, ký hiệu hướng dẫn phân loại.
Quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh năm 2025
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải ký ban hành Quyết định số 819/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2025 và các năm tiếp theo.
Mục tiêu Kế hoạch phấn đấu đến năm 2025, 100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động, liên tục và truyền dữ liệu online về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát theo quy định; 100% các doanh nghiệp có phát thải khí, bụi phải đầu tư lắp đặt, vận hành thường xuyên hệ thống thiết bị xử lý khí, bụi thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; loại bỏ và nghiêm cấm 100% các phương tiện xe cơ giới không đủ điều kiện tham gia giao thông; 100% các phương tiện vận tải chở vật liệu xây dựng và hàng hoá phải có biện pháp che chắn đảm bảo quy định về vệ sinh môi trường khi lưu thông; kiểm soát hiệu quả các nguồn thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh, xây dựng, nông nghiệp…
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương tập triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường kiểm tra, giám sát online thông qua hệ thống quan trắc khí, bụi thải tự động liên tục tại các doanh nghiệp xả thải lớn; hằng năm lấy mẫu giám sát chất lượng môi trường đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trên địa bàn tỉnh. Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án phát sinh nhiều chất thải, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.