Chùa Châu Cầu
(BNP) - Chùa Châu Cầu (Chùa Cô Tiên), thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, thị xã Quế Võ, vốn được khởi dựng lâu đời và đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, về sau nhân dân cùng nhau góp công góp của để phục dựng lại trên nền xưa đất cũ.
Tòa Tam Bảo chùa Châu Cầu.
Bên trong gian thờ chính.
Theo văn bia có tiêu đề “Hậu phật bi ký” niên hiệu Chính Hòa 21 (1700) dựng tại khuôn viên của chùa, chùa vốn là danh lam cổ tích và được trùng tu tôn tạo rất nhiều lần trong lịch sử với kiến trúc nội công ngoại quốc theo kiểu chùa trăm gian. Năm 2002, nhân dân địa phương đã trùng tu xây dựng lại toàn bộ ngôi chùa để có diện mạo khang trang như ngày nay.
Các mái đao cong mềm mại.
Hiện nay chùa làng Châu Cầu gồm các công trình kiến trúc chính là tòa Tam Bảo, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà bia, nhà chuông và lăng mộ Chiêu dung Phạm Quý Thị.
Nhà chuông.
Tòa Tam bảo có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh bao gồm Tiền đường có quy mô 3 gian 2 chái, 4 mái 4 đao cong chính giữa đắp biển chùa trên đề 3 chữ “Cô Tiên tự”. Mái lợp ngói vảy hến, cửa chính mở 3 gian kiểu “thượng song hạ bản” chạm khắc đề tài tứ quý, gian trái chổ cửa chữ thọ tròn. Bao gồm 4 bộ vì, mỗi bộ vì 4 hàng chân cột. Kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”, các cấu kiện kiến trúc để trơn không trang trí, trên các đầu dư đắp hình các đầu rồng. Thượng điện nối liền với Tiền đường tạo thành không gian khép kín, đây là trung tâm của Điện phật. Thượng điện có kết cấu 2 gian, kiến trúc kiểu 2 tầng mái. Bộ khung chịu lực của công trình sử dụng chất liệu hiện đại.
Nhà Mẫu là một tòa nhà gồm 7 gian, trong đó 3 gian được sử dụng để thờ Mẫu. Nhà Mẫu có kiến trúc đơn giản, vì 2 hàng cột kiểu kèo kìm, sử dụng chất liệu gỗ lim chắc khỏe. Nhà Tổ 5 gian 2 mái bình đầu bít đốc cột trụ lồng đèn, bộ khung bê tông chịu lực. Nhà bia và nhà chuông xây 2 hồi nhà Tổ kiểu 1 gian 4 mái đao cong, xung quanh không xây tường.
Hàng bia đá cổ.
Phần mộ bà Phạm Thị Quý được xây dựng từ các phiến đá lớn ghép lại với nhau, mộ xây dật 3 cấp có tiết diện hình vuông, trên có mái, đỉnh mái có đặt bình nước cam lộ. Phía trước mộ nhân dân địa phương đã xây dựng một đài tưởng niệm kiểu phương đình, chính giữa xây bệ thờ cao, trên bệ vẫn còn bia bài vị của bà (chất liệu đá).
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Các hiện vật tiêu biểu gồm: 03 Tượng Tam Thế; 01 Bộ Dida Tam Tôn; 01 Bộ tượng Thích Ca Thuyết Pháp; 01 tượng Quan Âm chuẩn đề; 01 tượng Tuyết Sơn; 01 tượng Di Lặc; 01 Bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu; 01 tòa Cửu Long; 02 tượng Hộ Pháp; 01 tượng Đức Ông; 01 tượng Địa Tạng; 01 Hoành phi; 02 đôi câu đối; 01 Cây hương (Chính Hòa 16); 01 chuông đồng. (Tự Đức 8); 01 bia “Cô tiên tự hậu phật bi ký” (Vĩnh Thịnh 11); 01 bia “Hậu phật bi ký” Vĩnh Thịnh 3; 01 bia tứ diện. (Khải Định 6); 01 bia “Hậu hiền bi ký) (Tự Đức 29); 01 bia “Hậu phật bi ký” (Vĩnh Khánh); 01 bia “Thánh tổ cô tiên tự bi ký” (Chính Hòa 15); 01 bia tứ diện (Minh Mệnh 19); 01 bia “Hậu phật bi ký” (Chính Hòa 21); 01 bia “Hậu phật bi ký” (Bảo Thái 8); 01 bia một mặt (Khải Định 6).
Quang cảnh chùa Châu Cầu.
Chùa Châu Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 1048 /QĐ-UBND ngày 17/4/2015.