Hôi nghị trực tuyến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

23/02/2025 18:41

(BNP) - Chiều 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh.

Tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh có đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ngành tỉnh.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/4/2024 (Quyết định số 262/QĐ-TTg). Mục đích của kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII; xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước; thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII do Viện Năng lượng trình bày, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291 - 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 - 80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt. Trong đó, nhiệt điện than và nhiệt điện khí trong nước giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII; nhiệt điện LNG 8.824 MW giảm so với Quy hoạch điện VIII 13.576 MW do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ; thủy điện 33.294 - 34.667 tăng so với Quy hoạch điện VIII 4.560 - 5.275 MW.

Đáng chú ý, tổng công suất điện gió trên bờ 27.791 - 28.058 MW (chiếm 13,2 - 14,4%), tăng so với Quy hoạch điện VIII từ 3.949 - 5.321 MW và điện mặt trời là 46.459 - 73.416 MW (chiếm 25,3 - 31,1%), tăng so với Quy hoạch điện VIII từ 25.867 - 52.825 MW; điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.979 - 4.881 MW (chiếm 1,6 - 2,1%), tăng so với Quy hoạch điện VIII từ 709 - 2.611 MW. Nhập khẩu điện chiếm khoảng 9.360 MW, tăng so với Quy hoạch điện VIII từ 4.360 MW. Đặc biệt, trong Đề án điều chỉnh nguồn điện hạt nhân đạt khoảng từ 6.000 - 6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030-2035...

Lãnh đạo một số Sở, ngành tỉnh tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh.

Tại hội nghị, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành cơ bản thống nhất với nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, đóng góp ý kiến liên quan đến một số vấn đề như: Sự phù hợp của nội dung đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII khi hiệu chỉnh; khả năng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân theo từng thời kỳ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 lên đến “2 con số”; tính khả thi của phương án, dự án phát triển điện;…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn yêu cầu: Bộ Công thương tính toán kỹ các phương án điều chỉnh, đảm bảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có chiến lược dài hơi, đồng thời đảm bảo lợi ích của quốc gia và đảm bảo kết nối lưới điện với các nước láng giềng; nghiên cứu, tính toán ưu tiên phát triển các nguồn điện có thể đầu tư nhanh để sớm đưa vào khai thác; tính toán linh hoạt các nguồn điện bổ sung để đảm bảo nhu cầu về điện trong những năm tới; khẩn trương thành lập tổ công tác triển khai Quy hoạch điện VIII để hỗ trợ, phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xây dựng kế hoạch điều chỉnh Quy hoạch điện VIII; chủ động xây dựng kế hoạch nguồn điện của địa phương để đảm bảo phù hợp, hài hòa với Quy hoạch điện VIII; quá trình triển khai các dự án điện tại địa phương phải đảm bảo đúng quy định pháp luật của Nhà nước; các tập đoàn, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải chủ động xây dựng các danh mục dự án điện lực để sớm triển khai khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.