Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh
(BNP) - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vừa ký, ban hành Quyết định số 46/2024/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Một buổi sinh hoạt của chi bộ thôn Trung Bạn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong.
Theo Quy chế, thôn, khu phố được phân làm 2 loại gồm: Loại I, thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, khu phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành khu phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã. Loại II là các thôn và khu phố không thuộc quy định trên.
Mỗi thôn có Trưởng thôn; mỗi khu phố có Trưởng khu phố. Đối với thôn, khu phố loại I được bố trí thêm 01 Phó Trưởng thôn, Phó Trưởng khu phố.
Thôn, khu phố hoạt động trên nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chấp hành sự quản lý Nhà nước trực tiếp của UBND cấp xã; đảm bảo tính tự quản của cộng đồng dân cư và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản ở thôn, khu phố. Đồng thời, tuân thủ Hiến pháp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hương ước (quy ước) của thôn, khu phố. Bảo vệ lợi ích của Đảng, Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mạng xã hội hoạt động hợp pháp trong hoạt động của thôn, khu phố.
Thực hiện sáp nhập các thôn, khu phố không đủ tiêu chuẩn theo quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương. Trong quá trình thực hiện sáp nhập, cần xem xét các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt của từng địa phương.
Ngoài ra, trong Quy chế cũng nêu chi tiết điều kiện, quy trình và hồ sơ thành lập thôn, khu phố mới; sáp nhập, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, khu phố; ghép cụm dân cư vào thôn, khu phố hiện có; nhiệm vụ, quyền hạn, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ, chính sách của Trưởng thôn, Trưởng khu phố và Phó trưởng thôn, Phó trưởng khu phố…