Sở Công Thương thông tin các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật của các nước thành viên WTO

19/02/2025 08:35

(BNP) - Tại văn bản số 245/SCT-QLTM, Sở Công Thương thông tin về 128 thông báo, bao gồm 98 dự thảo và 30 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật (SPS) của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Lương Tài.

Trong đó, Sở Công Thương đề nghị lưu ý một số nội dung thông báo chính, cụ thể như sau:

Thị trường Hoa Kỳ: Quy định chấm dứt sử dụng các sản phẩm chứa chlorpyrifos; đề xuất bỏ quy định MRL của chlorpyrifos trong một số sản phẩm; kiến nghị sửa đổi quy định về phụ gia thực phẩm; quy định về dung sai thuốc bảo vệ thực vật Cyazofamid.

Thị trường EU: Quy định (EU) 2019/627 về các biện pháp thực hiện kiểm soát chính thức đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật dùng làm thực phẩm; thay đổi mức dư lượng tối đa đối với chlorpropham, fuberidazole, ipconazole, methoxyfenozide, S-metolachlor và triflusulfuron, dimoxystrobin, ethephon và propamocarb trong hoặc trên một số sản phẩm, đề xuất thay đổi mức MRL đối một số hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm.

Thị trường Đài Loan: Dự thảo tiêu chuẩn về giới hạn mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm; dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật, phạm vi, ứng dụng và mức dư lượng của phụ gia thực phẩm; đề xuất thay đổi mức MRL đối với một số hóa chất nông nghiệp trong thực phẩm.

Thị trường Indonesia: Thẩm quyền hướng dẫn và kiểm soát cấp Giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm thủy sản tại Indonesia; dự thảo Quy định của Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Indonesia liên quan đến bao bì thực phẩm; dự thảo Quy định của Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia về giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

Thị trường Brazil: Dự thảo danh sách hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm tẩy rửa gia dụng và chất bảo quản gỗ; dự thảo nghị quyết thiết lập các kĩ thuật công nghệ, giới hạn tối đa và điều kiện sử dụng đối với phụ gia thực phẩm và công nghệ hỗ trợ trong thực phẩm; dự thảo thiết lập các yêu cầu về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với hoa lan Nam Phi (Freesia spp); dự thảo Nghị quyết về "Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được chọn để phân tích trong y học thảo dược"; thiết lập các yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với việc nhập khẩu hạt đậu bắp (Abelmoschus es-culentus).

Thị trường Úc - New Zealand: Đề xuất sửa đổi Phụ lục 20 của Bộ luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc - Niu Di-lân; sửa đổi Tiêu chuẩn sức khỏe nhập khẩu đối với lưu giữ sản phẩm thực vật phục vụ tiêu dùng cho con người; mức dư lượng tối đa đối với các hợp chất nông nghiệp; các biện pháp để xuất để quản lý Xylella fastidiosa trên cây trồng; tiêu chuẩn Y tế nhập khẩu đối với hạt giống để gieo trồng.

Thị trường Hàn Quốc: Thông số kỹ thuật đề xuất cho Acrylamide trong thực phẩm;

Thị trường Vương Quốc Anh: Sửa đổi quy định về kiểm soát chính thức (sức khỏe thực vật, tần suất kiểm tra) năm 2022 và các sửa đổi pháp lý để đảm bảo các biện pháp kiểm soát động vật và sản phẩm động vật tại biên giới hoạt động hiệu quả; sửa đổi Quy định (EU) 2019/2072 về sâu bệnh, virut, một số yêu cầu nhập khẩu để bao gồm tất cả các loài cây lá kim; thông báo về việc cấp phép 25 chất phụ gia thức ăn chăn nuôi và 01 loại thức ăn chăn nuôi cho mục đích dinh dưỡng cụ thể; thay đổi mức dư lượng tối đa đối (MRL) với hoạt chất propamocarb, fenazaquin, sul-foxaflor, isoflucypram.

Thị trường Nhật Bản: Sửa đổi Nghị định về Quy chuẩn thức ăn chăn nuôi và phụ gia thức ăn chăn nuôi.

Sở Công Thương đề nghị các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan phổ biến, thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp hội viên và các doanh nghiệp trên địa bàn để biết và chủ động kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Trường hợp các quy định về SPS nêu trên có khả năng gây tác động trực tiếp, đa chiều đến hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm của doanh nghiệp, đề nghị phản hồi kịp thời đến Văn phòng SPS Việt Nam (địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 024 3734 4764; email: spsvietnam@mard.gov.vn) hoặc Cục Xuất  nhập khẩu - Bộ Công Thương (địa chỉ: số 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại 024 4440 5310; email: xnk-ns@moit.gov.vn) để có phương án xử lý phù hợp, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu hàng hóa.

T.L