Thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%
Chiều 14-2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận Tổ 13.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Tổ Trưởng. Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu đóng góp ý kiến về các nội dung trên.
Thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột tăng trưởng
Đại biểu Nguyễn Như So đồng tình với nội dung Tờ trình và báo cáo Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ, khẳng định việc nâng mục tiêu tăng trưởng lên 8% trở lên cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tiến đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn mới. Đại biểu đề xuất 3 giải pháp trọng tâm, hướng tới tháo gỡ rào cản, khơi dậy nội lực và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột tăng trưởng:
Một là, cải cách thể chế phải được xem là đột phá của đột phá, là chìa khóa để Việt Nam vươn tầm. Muốn bứt phá, phải cải cách thể chế một cách triệt để và quyết liệt, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng. Đây là thời điểm vàng để hành động, khi mà cả hệ thống chính trị đang tiến hành cuộc cách mạng “tinh gọn bộ máy” và Việt Nam bước vào thập kỷ “dân số vàng”, tránh bỏ lỡ cơ hội “hóa rồng”. Không chỉ triệt để thực hiện số hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế "xin – cho", mà phải xác định rõ chiến lược, thế mạnh cạnh tranh quốc gia để định hướng phát triển nền kinh tế. Một Chính phủ kiến tạo không chỉ ban hành chính sách mà còn biết lắng nghe, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Cần thiết lập cơ chế phản biện chính sách từ doanh nghiệp, người dân, để mọi quyết định đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, không phải từ những báo cáo trên giấy tờ.
Hai là, Quyết liệt thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính giữ vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển nhằm nâng cao tiềm lực quốc gia. Trong đó, tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp trong hoạt động phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải tiến công nghệ. Chính sách hỗ trợ có xứng tầm thì chúng ta mới có thể khơi dậy các tiềm năng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Ba là, cần một chiến lược phát triển doanh nghiệp rõ ràng, minh bạch, phù hợp với từng nhóm đối tượng.Trước hết, doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò đầu tàu, không chỉ phát triển cho riêng mình mà còn có trách nhiệm dẫn dắt hệ sinh thái nội địa. Cần có chính sách bắt buộc doanh nghiệp lớn hợp tác với doanh nghiệp trong nước trong các dự án trọng điểm, ưu tiên sử dụng nhà cung cấp nội địa thay vì phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp vừa, vốn được xem là “xương sống” của nền kinh tế cần được hỗ trợ mạnh mẽ để vươn lên và tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ tài chính dài hạn, ưu đãi thuế khi đầu tư đổi mới công nghệ, thiết lập cơ chế để doanh nghiệp vừa có thể liên kết với doanh nghiệp lớn, từ đó nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng thị trường. Muốn doanh nghiệp phát triển, chính sách phải cụ thể và trúng đích. Chỉ khi có một hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể bứt phá, thoát khỏi sự phụ thuộc và vươn lên thành một nền kinh tế tự chủ.
Cần tháo gỡ các nút thắt để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Đóng góp ý kiến về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần tháo gỡ các nút thắt về: Trình tự thủ tục đầu tư theo pháp luật về Đầu tư, Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn phức tạp, việc triển khai còn chậm.
Nút thắt về khả năng tiếp cận đất đai: Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án sản xuất kinh doanh được tiếp cận đất đai với chi phí hợp lý, giúp nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ và nền kinh tế nói chung.
Nút thắt về quy hoạch: Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch còn chậm. Việc triển khai các dự án phải tuân thủ theo nhiều quy hoạch có liên quan.
Nút thắt về những dự án đang gặp vướng mắc: Trong các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực BĐS nói riêng, khắp cả nước còn rất nhiều dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Qua thời gian, các dự án bị đình trệ, bỏ hoang gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai, gia tăng khối nợ xấu tại các ngân hàng. Cần xem xét, xử lý để tháo gỡ cho những dự án này mới tạo động lực tăng trưởng. Nếu chờ những dự án mới thì sẽ có độ trễ đến vài năm.
*Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị: Cần nghiên cứu để mở rộng phạm vi áp dụng cho các dự án khác trong tương lai để phát triển các đô thị mới. Hiện nay, một số địa phương đã có quy hoạch đường sắt đô thị như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Long An, Bắc Ninh, có địa phương đã và đang trong quá trình chuẩn bị để đầu tư đường sắt đô thị ngay trong thời kỳ 2026-2030 ví dụ như Bắc Ninh. Đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù không chỉ riêng cho Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà cho các địa phương, nhất là địa phương lân cận với TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Long An… hay các địa phương trong vùng thủ đô như Bắc Ninh để xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, góp phần phát triển đô thị hiện đại. Rà soát lại hệ thống pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, ngân sách, quản lý và phát triển đô thị, khoáng sản, bảo vệ môi trường để khi triển khai các dự án Chính phủ không phải xin các cơ chế đặc thù và Quốc hội không phải thông qua các cơ chế đặc thù mới thực hiện được. Đối với giải pháp triển khai dự án, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa công tác tổ chức thực hiện tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết.