Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tăng tốc, tăng trưởng bứt phá
(BNP) - Ngày 21/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ứng phó nhanh hơn, kịp thời hơn, thích ứng linh hoạt và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.
Nhận biết, xác định rõ nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp nhà nước là thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải bền vững, góp phần thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm (phấn đấu đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; thu nhập trung bình cao và tới năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nước phát triển, thu nhập cao). Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong nền kinh tế, là lực lượng tiên phong dẫn đầu…
Yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và các DNNN phải phát huy tinh thần yêu nước, khát vọng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn với cách tiếp cận thực tiễn, phản ứng linh hoạt, phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế diễn biến rất nhanh. Năm 2025, trong bối cảnh cả nước tăng tốc, bứt phá để về đích, thì doanh nghiệp phải tăng tốc, bứt phá và về đích sớm hơn các chủ thể khác. Theo đó, với tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", DNNN phải chủ động xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước, trong đó tập trung tiên phong trong 06 lĩnh vực:
(1) Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
(2) Tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là xây dựng thể chế, đột phá về thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
(3) Tiên phong trong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh, bao trùm, bền vững.
(4) Tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển.
(5) Tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội bảo đảm công bằng, tiến bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của đất nước, nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
(6) Tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị sản phẩm của đất nước chúng ta, đề cao ảnh hưởng của đất nước chúng ta, tham gia dẫn dắt các cuộc chơi liên quan tới các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan đại diện chủ sở hữu khẩn trương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhất là về cơ chế, chính sách với tinh thần "5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".
Chú trọng thiết kế, xây dựng, thực hiện các chính sách vĩ mô, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DNNN và các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế; đồng thời, phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để hướng tới phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung thiết kế, sử dụng các công cụ chính sách để huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác công tư. Nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính "đòn bẩy, điểm tựa" để phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp, thúc đẩy DNNN nói riêng và khu vực doanh nghiệp nói chung phát triển, bứt phá.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra.