Cây màu chủ lực ở An Thịnh

03/09/2020 16:18 Số lượt xem: 178
Xã An Thịnh (Lương Tài) có 12.800 khẩu với 4.331 hộ, diện tích đất tự nhiên hơn 1.000 ha, trong đó hơn 640ha là đất nông nghiệp. Những năm qua, xã luôn chú trọng đến việc  mở rộng diện tích canh tác, nâng cao chất lượng cây tỏi, trở thành cây màu chủ lực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao giá trị trên diện tích canh tác và đem lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

Chị Trần Thị Hà, thôn An Trụ cho biết: “Tỏi là cây màu từ lâu được người dân trồng trên đồng đất An Thịnh. Với chất đất thịt pha cát nhẹ nên tỏi ở đây củ to đều, nhánh mẩy bóng. Đặc trưng của tỏi An Thịnh là mùi thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc. Ngoài làm dùng gia có thể ngâm rượu để chữa các bệnh cảm mạo, viêm họng thông thường hoặc chế làm thuốc phòng sâu bệnh sinh học cho cây trồng. Không chỉ chất lượng, tỏi An Thịnh còn có năng suất và giá trị kinh tế từ 7-8 tạ tỏi tươi/sào, sau khi hun, sấy còn khoảng 3 tạ/sào, người dân có thể vừa bán tỏi tươi, vừa để bán khô quanh năm, cho thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/sào, cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa, lúc được giá có thể đạt 10-13 triệu đồng/sào. Bí quyết để tỏi không bị ốp, giữ được mùi vị tự nhiên, có màu vàng rộm, khác hẳn màu vàng nhạt của tỏi được sấy công nghiệp, đòi hỏi tỏi phải phơi nắng và hun trong bếp bằng cách dùng rơm khô hun liên tục trong vài ngày, rồi cách vài tháng lại hun khói lại”.

Xã An Thịnh hiện có khoảng gần 100 ha trồng tỏi và chỉ sản xuất 1 vụ/năm, riêng thôn An Trụ có 40 ha. Vụ đông năm 2019, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lương Tài triển khai mô hình “Sản xuất tỏi an toàn theo hướng VietGAP” với quy mô 3ha. Mô hình sử dụng giống tỏi tía, đây là giống địa phương thường trồng đại trà với điều kiện tự nhiên của vùng, chất lượng tốt, hương vị thơm, cay đậm. Căn cứ vào tình hình sâu bệnh trên cây tỏi, các hộ dân tổ chức phòng trừ, cùng với việc sử dụng chế phẩm vi sinh Bio-EM03 tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, hạn chế nấm bệnh, giúp cho cây tỏi tăng sức đề kháng, sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Tổng mô hình cho thu lãi hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, tỏi được sản xuất an toàn theo hướng VietGAP giúp người dân dễ tiêu thụ hơn, bán được giá cao hơn so với tỏi trồng thông thường. 

Ông Nguyễn Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh chia sẻ: “Với đặc thù là xã thuần nông có xuất phát điểm rất thấp, xa trung tâm huyện lỵ, Đảng ủy, chính quyền xã xác định để phát triển kinh tế, phải phát huy thế mạnh cây màu chủ lực gắn với tư duy canh tác hàng hóa quy mô lớn. Trong đó,  tỏi là cây chủ lực, vừa giữ gìn cây trồng đã có hàng trăm năm, vừa mang lại giá trị cao khoảng gần 20 tỷ đồng/năm cho người dân. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện và có điều kiện tham gia đóng góp để cùng chính quyền địa phương xây dựng các hạng mục Nông thôn mới. Năm 2018, xã đạt chuẩn Nông thôn mới trước thời hạn đăng ký 1 năm. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng để cây tỏi thực sự là cây màu chủ lực trong phát triển kinh tế của An Thịnh”.

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngoài sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền xã bám sát kế hoạch chung của huyện và chỉ đạo quyết liệt trong sản xuất vụ đông nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng các loại cây có giá trị kinh tế cao, khuyến khích tích tụ ruộng đất, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn. Phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đặc biệt, xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo thương hiệu riêng cho cây tỏi An Thịnh nhằm nâng vị thế và giá trị trên thị trường, tạo đầu ra ổn định, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

 
Quang Minh
Nguồn: Báo Bắc Ninh