Nông sản Hải Phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty Hải Phong cho biết, Lương Tài là vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, vì vậy, bản thân mong muốn được đóng góp sức mình vào việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, nhận thấy tầm quan trọng của việc sản xuất thực phẩm sạch nên ngay từ khi thành lập công ty, chị đã hướng đến sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ban đầu, công ty thuê gần 5 ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 2ha trồng măng tây xanh và hơn 2,5ha trồng luân canh các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ. Nhằm sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, an toàn và giảm sức, ngày công lao động, công ty đã đưa các thiết bị cơ giới hóa như máy xới, máy lên luống, hệ thống tưới phun, hệ thống tưới nhỏ giọt, khung vòm nhà lưới vào sản xuất. Từ khâu làm đất đến sơ chế vận chuyển đều theo quy trình khép kín. Với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng và chất lượng cao; các nông sản của công ty đã tạo dựng được thương hiệu và đầu ra ổn định, chuyên cung cấp cho chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Bắc Ninh và chuỗi siêu thị như: Fivimart, BigC và Vinmart.
Tháng 10/2018, Công ty được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Nhận thấy trên thị trường ngày càng có nhiều địa chỉ sản xuất măng tây xanh, năm 2019, chị Trâm đã tìm hiểu và đưa cây dưa leo baby, cây dưa lưới Nhật vào trồng trong nhà kính, nhằm đa dạng sản phẩm, nâng tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, măng tây xanh được trồng trên diện tích 0,4 ha, cho sản lượng 8 tấn/năm, doanh thu hơn 600 triệu đồng. Dưa leo baby được trồng trên diện tích 0,8ha, cho sản lượng 96 tấn/năm, với doanh thu gần 2 tỷ đồng. Dưa lưới Nhật được trồng trên diện tích 0,6 ha, cho sản lượng hơn 20 tấn/năm, doanh thu gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh các loại cây chính là măng tây xanh, dưa leo baby và dưa lưới, hiện nay, công ty cũng đang dành một phần diện tích đất để trồng rau cải bó xôi, củ riềng và các loại rau ngắn ngày theo mùa vụ; tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 - 8 triệu/người/tháng. Các loại rau đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng theo đơn đặt hàng của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị. Ngoài diện tích 5ha, công ty còn liên kết với các tổ chức, cá nhân khác vào khoảng 50ha trồng các loại rau để có thể cung cấp các mặt hàng trái vụ ra thị trường.
Định hướng trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng thêm nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến các mặt hàng nông sản. Trước những khó khăn trong quá trình mở rộng sản xuất, chị Trâm mong muốn khi tham gia Chương trình OCOP, công ty sẽ được tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài, hỗ trợ đầu tư công nghệ, nhất là hỗ trợ quảng bá sản phẩm để tiếp tục đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nông sản, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giúp nông sản Công ty Hải Phong không những tiêu thụ trong nước, còn tiến tới xuất khẩu.