Nông nghiệp thời 4.0
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường được coi là tất yếu, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Nắm bắt xu thế, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương, có giá trị kinh tế cao, an toàn, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất lúa tại huyện Lương Tài.
Mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất lúa được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh triển khai từ năm 2022 tại 3 huyện: Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, tổng diện tích 80 ha, trong đó vụ xuân 30ha, vụ mùa 50ha. Các hộ tham gia mô hình được tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phí dịch vụ bay không người lái. Mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt so với canh tác thông thường như: Tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật từ 30-35%, giảm hơn 90% lượng nước và tăng hiệu quả kinh tế từ 20-30% so với sản xuất lúa gieo sạ thủ công hiện nay, tiết kiệm được nguồn nhân công lao động, ngoài ra còn giảm độc hại cho người sử dụng và giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản. Nếu như sản xuất theo các phương pháp truyền thống nông dân thường phải lội vào ruộng để rải phân bón tốn nhiều thời gian, công sức mà lượng bón không đồng đều, không chính xác thì sử dụng công nghệ này lượng phân bón sử dụng tiết kiệm hơn, giảm chi phí sản xuất lúa, khoảng cách các hạt phân được phủ xuống ruộng đồng đều và chính xác. Trước thực trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng máy bay nông nghiệp vào công tác sạ giống, phun thuốc và rải phân bón đã và đang dần trở nên quen thuộc với bà con nông dân.
3 năm trước, trang trại quy mô gần 7ha của HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương (Gia Bình) chủ yếu vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống nay đang dần được thay thế bởi những khu nhà kính, nhà màng hiện đại, áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như chăm sóc, tưới và kiểm soát nhiệt độ. Qua đó, nâng cao năng suất, đặc biệt là sản xuất được những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao mà canh tác truyền thống không thể làm được. Theo bà Vũ Thị Sử, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương, giá trị cốt lõi của chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện nay là đưa được những giải pháp công nghệ đột phá dựa trên nền công nghệ số đến người sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn. HTX ứng dụng Big Data vào quá trình sản xuất các sản phẩm như phần mềm phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và theo dõi quá trình cây lớn và phát triển… Với những tem nhãn được dán trên sản phẩm nông sản của trang trại thì mỗi người tiêu dùng có thể truy xuất các thông số này theo thời gian để biết thêm thông tin về sản phẩm mình sử dụng.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại; là một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp hạn chế tối đa dùng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích để tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp thông minh, bền vững. Những năm gần đây, cùng với các mô hình trên, ngành Nông nghiệp quan tâm thúc đẩy, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo những bước đột phá trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp bao gồm các hoạt động cơ bản như: Áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động sản xuất, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh. Nhiều trang trại, mô hình nhà màng, nhà lưới trong tỉnh đã áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa. Việc canh tác từ khâu làm đất đến bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều áp dụng cơ giới hóa, sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện trên máy tính bảng hoặc qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm bớt chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là mục tiêu quan trọng nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Ngành Nông nghiệp tiếp tục chủ động, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Tái cơ cấu ngành theo hướng ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho nông dân; xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP; phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh, bền vững. Tư duy sản xuất nông nghiệp 4.0 của những người nông dân đã và đang thổi một luồng gió mới, không chỉ nâng cao thu nhập hộ gia đình mà còn thúc đẩy xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.