Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5

29/08/2023 14:02 Số lượt xem: 60

Hiện nay, lúa mùa ở thời kỳ cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, đây là giai đoạn lúa rất mẫn cảm với sâu, bệnh hại và quyết định đến năng suất, chất lượng lúa. Trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang phát sinh và diễn biến phức tạp với diện tích nhiễm, mật độ phân bố cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ của những năm gần đây gây khó khăn trong công tác phòng trừ.

Tại xứ đồng Phán, khu phố Cung Kiệm, phường Nhân Hoà (thị xã Quế Võ), nhiều nông dân đang thăm đồng, kiểm tra mật độ sâu bệnh, chăm sóc lúa mùa. Bà Nguyễn Thị Toan đang bón kali đón đòng cho thửa ruộng rộng gần 5 sào cấy giống lúa Nếp PD2 chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1,2 mẫu lúa gồm 2 giống: Nếp PD2, Đài thơm 8. Những ngày qua, gia đình thường xuyên thăm đồng để phát hiện tình hình sâu bệnh hại lúa. Qua thăm đồng, nhận thấy mật độ trưởng thành, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 5 cao hơn cùng kỳ năm trước nhiều lần. Theo thông báo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã trên hệ thống truyền thanh địa phương, vừa qua gia đình tiến hành phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cho toàn bộ diện tích lúa nên mật độ sâu gây hại giảm, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đang đứng cái, chuẩn bị làm đòng, trỗ bông”.
Vụ mùa năm nay, thị xã Quế Võ gieo cấy xấp xỉ 6.800 ha lúa. Do thời tiết nắng, mưa xen kẽ nên mật độ, diện tích lúa mùa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tăng hơn nhiều lần cùng kỳ năm trước. Ông Hà Quang Khiết, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “Kết quả điều tra, thăm đồng cho thấy xấp xỉ 90% diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 với mật độ trung bình 200 con/m2, cục bộ có diện tích nhiễm mật độ 550-1.000 con/m2. Đây là lứa sâu có diện tích nhiễm, mật độ phân bố cao gấp hàng chục lần so vụ mùa năm 2022 nếu không tiến hành phòng, trừ kịp thời có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa mùa”. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Phòng Kinh tế tham mưu cho UBND thị xã đôn đốc các địa phương tập trung cao chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tiến hành phun thuốc, phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng” đối với toàn bộ diện tích lúa nhiễm sâu. Thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo nông dân phòng trừ đợt 2 đối với những diện tích có mật độ sâu cao”.


 

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thăm đồng, kiểm tra sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 trên lúa mùa tại xã Thái Bảo (Gia Bình).


Để bảo đảm lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, bảo vệ năng suất lúa mùa trước sự gây hại của sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, huyện Gia Bình cũng tập trung cao phun thuốc trừ sâu theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Đến hết ngày 22-8, toàn huyện phun thuốc phòng, trừ được 3.450/3.500 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 vì vậy mật độ sâu sau phòng trừ giảm còn 5-7 con/m2. Ông Nguyễn Thành Đài, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Mặc dù mật độ sâu đã giảm, tuy nhiên thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo phun lần 2 đối với diện tích lúa phát sinh mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc: Prevathon 5SC, Vitarko 40WG, Amate 150 EC”.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ mùa năm nay có mật độ, diện tích lúa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cao nhất trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, diện tích nhiễm trước phòng trừ  lên đến 24.740 ha với mật độ sâu trung bình 150-200 con/m2, cục bộ hơn 500 con/m2. Nguyên nhân sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 phát sinh với diện tích, mật độ cao là bởi điều kiện thời tiết có nắng mưa xen kẽ, thời điểm phòng trừ liên tiếp có mưa, ảnh hưởng đến hiệu quả phun thuốc, trong đó một số diện tích lúa mặc dù đã được phun thuốc nhưng gặp mưa, mật độ sâu non vẫn cao hơn 150 con/m2.

Nguyễn Tuấn
Nguồn: Báo Bắc Ninh