GIỚI THIỆU CHUNG VỀ PHƯỜNG ĐỒNG KỴ
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
1. Điều kiện tự nhiên
Phường Đồng Kỵ là đơn vị hành chính thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phường có vị trí: phía Đông giáp phường Tam Sơn và phường Đồng Nguyên, phía Tây giáp phường Phù Khê, phía Nam giáp phường Trang Hạ và phường Châu Khê, phía Bắc giáp phường Hương Mạc.
Phường có tổng diện tích đất tự nhiên là 334,29 ha. Đất đai ở đây có địa hình tương đối bằng phẳng. Sông Ngũ Huyện Khê là nơi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn phường còn có nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Đồng Kỵ có hệ thong giao thông thuận tiện. Về đường thủy, từ Đồng Kỵ theo dòng Ngũ Huyện Khê (trước đây là dòng Thiếp Thương) tiến lên phía Nam vào Thăng Long, Hà Nội, rẽ về phía Tây đến Cổ Loa, xuôi về phía Bắc đến Quả Cảm (sông Cầu) rồi đổ về Lục Đầu Giang (Phả Lại) và đổ ra biển, rẽ về phía Đông gặp đường sắt Bắc - Nam và Quốc Lộ 1. Về đường bộ: Đồng Kỵ năm bên Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 18 km về phía Tây Nam, cách thành phố Bắc Ninh khoảng 12 km về phía Đông Bắc, có đường Nguyễn Văn Cừ nối từ trung tâm thành phố Từ Sơn đi huyện Yên Phong chạy qua. Cùng với đó, các cung đường giao thông trên địa bàn phường được xây dựng khá hoàn chỉnh thuận tiện cho việc đi lại, phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế. Vì thế, phường Đồng Kỵ có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh.
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi tạo cho Đồng Kỵ khả năng phát triển một nền kinh tế toàn diện, với kinh tế mũi nhọn là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, trong đó chủ yếu là phát triển làng nghề truyền thống.
2. Quá trình hình thành
Nằm trong vùng châu thổ sông Hồng, địa danh Đồng Kỵ là một làng Việt xuất hiện khá sớm. Qua quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, dần dần cộng đồng dân cư hình thành, làng xã ra đời và phát triển.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, địa giới hành chính của Đồng Kỵ có nhiều thay đổi. Thời Hùng Vương, Đồng Kỵ thuộc bộ Vũ Ninh, một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Theo thần phả và những ghi chép trên cây hương ở chùa Đồng Kỵ, vùng đất này có ba trang, còn gọi là Tam Trang. Tương truyền, khi phu nhân Cao Thị Trân trên đường trở về lỵ sở, đến Tam Trang thì trở dạ sinh hạ Đức Thánh Thiên Cương tại quán sở của làng, được nhân dân Tam Trang tận tình giúp đỡ, chăm sóc. Từ đó, Tam Trang được đổi thành trang Nhân Hậu. Về sau, do phạm Quốc húy nên trang Nhân Hậu được đổi thành Đồng Chu.
Thời thuộc Tần, địa bàn Đồng Kỵ thuộc quận Tượng; thời thuộc Hán đến thời thuộc Tấn, thuộc quận Giao Chỉ; đầu đời Đường, thuộc Giao Châu Đô hộ phủ, rồi sau đó là An Nam Đô hộ phủ; thời Đinh và Tiền Lê, thuộc Giao Châu. Đến thời Lý, địa bàn Đồng Kỵ thuộc phủ Thiên Đức, lộ Bắc Giang.
Thời Hậu Lê, phủ Từ Sơn được thành lập. Địa bàn Đồng Kỵ thuộc phủ Từ Sơn.
Thời Hồng Đức, Từ Sơn thuộc trấn Kinh Bắc. Năm Chính Hòa thứ 16 (năm 1695), đời vua Lê Hy Tông, Đồng Chu được đổi thành Đồng Kỵ, có nghĩa là cùng thờ chung 1 thành hoàng và cùng nhau phấn đấu vươn lên. Xã Đồng Kỵ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Theo sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, xã Đồng Kỵ thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Năm 1822, trấn Kinh Bắc được đổi thành trấn Bắc Ninh, đến năm 1831, được đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Xã Đồng Kỵ thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Thời Pháp thuộc, huyện Đông Ngàn được thay thế bằng phủ Từ Sơn. Xã Đồng Kỵ (nhất xã nhất thôn) thuộc tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Kinh Bắc. Xã Đồng Kỵ có 5 xóm: xóm Bằng, xóm Đột, xóm Giếng, xóm Tư và xóm Nghè.
Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cấp tổng, phủ được xóa bỏ, xã Đồng Kỵ thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 09/7/1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 1 ban hành Quyết định số 422PC/2 hợp nhất hai xã Trang Hạ và Đồng Kỵ thành xã Đồng Quang, Đồng Kỵ trở thành một thôn thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II ban hành nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 14/3/1963, Chính phủ ban hành Quyết định số 25/QĐ hợp nhất hai huyện Từ SƠn và Tiên Du thành huyện Tiên Sơn. Đồng Kỵ một thôn thuộc xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Ngày 06/11/1996, Quốc hội khóa IX phê chuẩn việc tách tỉnh Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 09/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/1999/NĐ-CP tách huyện Tiên Sơn thành hai huyện Từ Sơn và Tiên Du. Thôn Đồng Kỵ thuộc xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 24/9/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP về việc thành lập thị xã Từ Sơn, thành lập các phường thuộc thị xã. Theo đó, phường Đồng Kỵ được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thôn Đồng Kỵ.
Ngày 19/01/2009, Ủy ban nhân dân thị xã Từ Sơn ban hành Quyết định số 05-QĐ/UBND về việc thành lập các khu phố thuộc phường Đồng Kỵ. Theo đó, phường Đồng Kỵ có 7 khu phố: Thanh Bình, Đại Đình, Thanh Nhàn, Tư, Nghè, Tân Thành và Đồng Tiến. Đến năm 2021, phường có 4.151 hộ với 18.447 nhân khẩu. Nhân dân trong phường luôn chung sống hòa thuận, đoàn kết, cùng nhau phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng Đồng Kỵ ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Để tiện cho việc tra cứu, quá trình hình thành phường Đồng Kỵ qua các thời kỳ được dẫn giải như sau:
II. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA, LỊCH SỬ
1. Truyền thống văn hóa
Nằm trong vùng đất nghìn năm văn hiến, soi mình bên dòng số Thiếp Thương (nay là Ngũ Huyện Khê), Đồng Kỵ là nơi hội tụ đầy đủ những truyền thống văn hóa đặc sắc của một làng Việt cổ, biểu hiện rõ nét qua đời sống thường ngày của nhân dân. Những truyền thống đó luôn được vun đắp, giữ gìn và phát triển qua các thời kỳ lịch sử.
Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng quê hương, người dân Đồng Kỵ sớm hình thành nên truyền thông đoàn kết, tương thân tương ái, tạo nên một cộng đồng bền chặt vừa mang yếu tố láng giềng, vừa mang yếu tố truyền thống. Vấn đề tổ chức xóm làng luôn được các dòng họ quan tâm, lưu ý. Làng xưa được bao bọc bới lũy tre dày và có hào sâu xung quanh, một xóm có một cổng xây, ban đêm đóng kín. Các ngõ trong từng xóm có cổng riêng, mỗi gia đình lại có công trước vào nhà, tạo nên một pháo đài, một chiến lũy vững chắc, an toàn và riêng biệt, người ngoài khóa có thể xâm nhập. Khi cư dân và nghề nghiệp trong làng phát triển, hệ thống hào lớn xung quanh trở thành đường thoát nước cho cả làng. Ngày nay, hệ thống thoát nước này vẫn còn sử dụng tốt.
Tinh thần tương thân tương ái còn được thể hiện qua tục kết chạ giữa các làng. Từ xa xưa, Đồng Kỵ kết chạ với làng Tiến Bào (còn gọi là làng Bèo, Phù Khê) và làng Dương Sơn (còn gọi là làng Chõ, Tam Sơn). Hằng năm, cứ đến các dịp lễ, tết, hội hè, ba làng luân phiên mời nhau sang dự cùng. Sau này, làng Xuân Ổ (xã Võ Cường, huyện Tiên Du - nay là phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) thờ chung Thành hoàng cũng được kết chạ.
Truyền thống văn hóa của Đồng Kỵ còn được thể hiện qua những bản hương ước của làng. Từ thời Đinh Tiên Hoàng (968-979), Đồng Kỵ có bản ước thực với những quy ước chung và các quan hệ cộng đồng, đất đai, thờ Thành hoàng…và được sao chép, bổ sung nhiều lần vào thời Lê - Nguyễn. Đến năm 1935, dân làng lập hương ước cải lương gồm 33 khoản quy định về chính trị và tục lệ riêng, trong đó có nhắc tới những tục lệ như cưới xin, sinh đẻ, lên lão, tang ma. Những phong tục này đưa mỗi thành viên cộng đồng vào trong một khuôn khổ chung của làng, củng cố sự bền vững của cộng đồng làng trước mọi thử thách của cuộc sống.
Người dân Đồng Kỵ có tục thờ cúng tổ tiên theo huyết thống. Gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Thờ cúng tổ tiên không chỉ là một loại hình tín ngưỡng mà cao hơn, đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà tổ tiên - những người đã khuất.
Từ xa xưa, Đồng Kỵ đã có nhiều nhiều dòng họ cùng sinh sống. Hiện nay, Đồng Kỵ có 30 dòng họ, nhiều dòng họ có nhà thờ tổ, trong đó một số dòng họ có cả nhà thờ khá lớn như: họ Vũ, họ Dương, họ Nguyễn, họ Ngô, hộ Chử, họ Lê; nhiều dòng tộc còn lập cả gia phả. Ngày giỗ tổ là dịp để con cháu sum họp, củng cố mối quan hệ thân tộc.
Cùng với những tục lệ, các nghi lễ sinh hoạt văn hóa, Đồng Kỵ lưu gữ được nhiều công trình kiến trúc gắn liền với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Chùa Đồng Kỵ: Xưa kia, Đồng Kỵ có 3 ngôi chùa những về sau tập trung vào một chùa gọi là chùa Cời, có tên chữ là Tây Am tự. Đây là một trong những ngôi chùa cổ trong vùng với lối kiến trúc khá đẹp. Trước cửa chùa còn lưu giữ được cây hương đá dựng vào thời Hậu Lê. Theo các thư tịch cổ như thần phả, văn bia còn ghi lại thì ngôi chùa được biết tới ít nhất vào thời Tiền Lê (thế kỷ thứ X). Chùa được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê trung hưng, ghi tên những dòng họ hình thành từ lúc lập làng và được trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn. Từ xưa, chùa làng là nơi diễn ra các lễ nghi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của cộng đồng, góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của người dân. Trong những năm 1939-1945, dưới sự trụ trì của nhà sư Phạm Thông Hòa, chùa Đồng Kỵ trở thành một trong những địa điểm sinh hoạt, hội họp an toàn của cán bộ Tỉnh ủy, Xứ ủy, Trung ương Đảng, là nơi cất giấu tài liệu của Đảng. Nhiều cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ như: đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Trần Đăng Ninh, đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Nguyễn Văn Trân, đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng về hoạt động cách mạng tại chùa. Ngày 09/3/1945, khi Nhật hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương, chùa Đồng Kỵ là nơi tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng và khởi thảo bản Chị thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Với những đóng góp cho cách mạng, chùa Đồng Kỵ và nhà sư Phạm Thông Hòa dược Tổng bộ Việt Minh trao tặng bức trướng “Đạo đức siêu nhiên” và đồng tiền vàng. Năm 1974, chùa Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích cách mạng cấp Quốc gia.
Chùa Đồng Kỵ
Đền, đình Đồng Kỵ thờ Đức Thánh Thiên Cương và vị thần Thần Nông. Qua các thư tịch, văn bia cho biết, đền Đồng Kỵ có từ trước thời Lý. Ban đầu, ở đây có 1 ngôi miếu nhỏ thờ Thần Nông và 1 miếu từ bằng đá thờ Đức Thánh Thiên Cương. Sau này, được lập lên thành đền. Đền được trùng tu nhiều lần vào thời Lý - Trần và được xây dựng có quy mô như hiện nay vào thời Nguyễn.
Đền Đồng Kỵ
Đình Đồng Kỵ xuất hiện vào thời Lý, đến thời Hậu Lê được xây dựng với quy mô lớn, được trùng tu tôn tạo vào thời Lê trung hưng và thời Nguyễn. Đình có kiến trúc độc đáo, hiện vẫn còn lưu giữ được khá nguyên vẹn lối kiến trúc cổ. Điều đặc biệt hơn là đình Đồng Kỵ được dựng nên bằng tài năng và sức lực của 37 nghệ nhân và huy động lực lượng trai tráng trong làng cùng giúp công xây dựng. Đền, đình Đồng Kỵ tạo thành mộ quần thể kiến trúc đẹp, mang giá trị lịch sử, văn hóa cao. Năm 1991, đình - đền - chùa Đồng Kỵ được Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao xếp hạng cụm Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Đình Đồng Kỵ
Nhắc tới Thánh Thiên Cương, nhân dân Đồng Kỵ nhớ tới công ơn trừ giặc cứu nước của ngài. Hiện nay, ở đền Đồng Kỵ vẫn còn lưu giữ câu đối:
“Tiền phạt Quỷ, hậu phá Ân hằng hằng duy liệu
Cổ sinh từ, kim thanh miếu trạc trạc quyết linh”.
Hằng năm, nhân dân Đồng Kỵ tổ chức lễ hội để tướng nhớ công lao của ngài với các tục như: tục chạy ông Đám, tục tranh cột Thái Bạch và hội pháo.
Tục chạy ông Đám (hay chạy đuốc) được tổ chức vào đêm 30 tháng Chạp. Tương truyền, sau khi nhận được lệnh tuyển binh của Thiên Cương, các cánh quân ở nhiều nơi về đây hội tụ, tranh tài. Để tưởng nhớ lại ngày hội quân, trai làng Đồng Kỵ chia làm 4 đội quân ngày đêm tập luyện. Đêm 30 tháng Chạp, trai tráng trong giáp tập trung tại nhà ông quan Đám nhất, mỗi người chuẩn bị sẵn một bó đuốc, khi có hiệu lệnh phát ra từ đình từ lập tức lên đường. Từ các ngả trong làng, hình thành 4 đội quân đốt đuốc reo hò cổ vũ tinh thần luyện quân tiến về phía nghè thờ đức Thánh làm lễ.
Tục tranh cột Thái Bạch: Kết thúc cuộc chạy đuốc, nhân dân tham dự nghi lễ tranh cột Thái Bạch. Theo truyền thuyết, 4 đội quân ra sức tập luyện đều có kết quả tốt, Thiên Cương không biết chọn ai làm vị tướng chỉ huy tiên phong nên mở cuộc thi tài giữa các chỉ huy chọn người giữ ấn tiên phong. Sau này, để tái hiện lại sự kiện ấy, dân làng tổ chức cuộc tranh cột Thái Bạch - nghĩa là đọ sức để tranh ấn tiên phong. Người tham gia tranh cột là 4 ông Khảo (những người đứng thứ ba ở tuổi khánh tiết - tuổi năm mươi mốt) của 4 giáp. Đúng giao thừa, sau khi các quan làm lễ, cuộc thi tranh cột được diễn ra. Dân các giáp vây quanh, hò reo cổ vũ cho ông Khảo của giáp mình. Sáng mồng 1 tết, sau khi theo dõi thực tế cuộc tranh đua, các cụ trong làng sẽ phán xử giáp nào thắng cuộc. Hội tranh cột kết thúc, dân làng ăn tết và chờ đón hội pháo.
Hội pháo diễn ra trong ngày mồng 4 tháng Giêng, để tưởng nhớ cuộc ra quân đánh giặc và chiến thắng trở về của Thiên Cương tướng quân. Tương truyền, vào ngày này, từ giờ Mùi (xế trưa) đến giờ Dậu (chiều tối), Thánh Thiên Cương đại chiến và đại thắng giặc Xích Quỷ. Vì vậy, hằng năm, dân làng đốt pháo để diễn lại và ăn mừng chiến thắng của Thánh Thiên Cương. Tiếng pháo nổ vừa là chấp hành hiệu lệnh xuất quân, vừa là pháo lễ mừng thắng trận nên là nghi lễ quan trọng nhất của hội pháo. Pháo gồm có 2 loại: pháo tràng và pháo quả. Pháo quả chia làm pháo nhất (còn gọi là Chấp hiệu), pháo nhì, pháo ba và nhiều quả pháo bé của từng gia đình tự cuốn pháo mang ra hội. Khi đốt pháo, cứ đốt 1 tràng pháo ngắn rồi đến 1 quả pháo bé. Và lần lượt cho tới pháo tràng nhất - pháo quả nhất (Chấp hiệu). Sau khi quả pháo Chấp hiệu kết thúc, ở trong đình, quan đám tế lễ, chiêng trống nổi lên, trai đinh hàng giáp kiệu ông Đám nhảy múa reo hò quanh sân đình rồi tiến về phía Xuân đài. Sau đó, các quan Đám được kiệu ra sân múa hoa khoảng nửa tiếng, rồi được rước vào lễ tạm, kết thúc hội pháo. Mọi người đều tin tưởng và những điều tốt lành sẽ đến trong năm.
Những ngày sau đó, dân làng tiến hành các nghi thức tế lễ mở đầu hội xuân ở đình. Trong đó nổi bật nhất là phong tục sửa lễ lên lão. Trong làng, những gia đình có người thân đến tuổi 52 thì tổ chức khao lão vào ngày mùng 5 tết (ở nhà). Tại đình làng, nhân dân tổ chức tế lễ. Cùng với lễ còn có phần hội với những trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, đánh cờ, hát tuống, hát quan họ diễn ra trong 2 ngày (5 - 6 tháng Giêng).
Hội Pháo Đồng Kỵ
Từ năm 1995, thực hiện Chị thị số 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm đốt pháo trong toàn quốc, dân làng Đồng Kỵ nghiêm chỉnh chấp hành. Hội pháo Đồng Kỵ vẫn được tổ chức trọng thể nhưng chỉ là hội rước pháo. Tuy thiếu tiếng pháo nhưng dân làng và khách thập phương khi vào đình chiêm ngưỡng quả pháo thờ vẫn như nghe tiếng pháo lệnh của vị Thánh Thiên Cương ngày nào. Ghi nhận ý thức chấp hành chủ trường của Nhà nước, ngày 12/9/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 555/TTg tặng Bằng khen cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Đồng Kỵ.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để đáp ứng yêu cầu công tác trong hoàn cảnh chiến tranh, nhân dân tổ chức hội pháo và hội làng từ ngày mùng 4 - 6 tháng Giêng hằng năm.
Xét thấy giá trị văn hóa của hội làng Đồng Kỵ trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, ngày 19/01/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 246/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội làng Đồng Kỵ là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngoài ra, hằng năm Đồng Kỵ còn tổ chức hội Chùa (Cầu Mát) vào ngày 16/02 (âm lịch) để cầu bình an cho dân làng, thu hút đông đảo khác thập phương đến lễ chùa, vãng cảnh.
Đồng Kỵ cũng là nơi sớm thành lập các đoàn văn nghệ như: đoàn tuồng cổ I, tuồng mới II, đoàn chèo cổ, đoàn cải lương, phường sáo kèn, phường bát âm, phường vật, phường chọi gà, phường chim, phường cờ, phường vải. Đoàn tuồng cổ I Đồng Kỵ đã nhiều lần đi trình diễn nhằm khích lệ ý chí, tinh thần của nghĩa quân Đề Thám trong đó có vở “hồ xanh đánh mộc”.
Trải qua thời gian, xuyên suốt các phong tục tập quán, các lễ hội ở Đồng Kỵ đều liên quan tới vị Thành hoàng Thiên Cương. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài là sợi chỉ đỏ nối liền giữa quá khứ và hiện tại, chi phối mọi hoạt động đời sống thường nhất của nhân dân trong làng. Những phong tục ấy góp phần tạo dựng lối sống, kỷ cương và tâm linh cho mọi người dân, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa làng Đồng Kỵ.
2. Truyền thông lao động sản xuất
Tổng thể đặc trưng của Việt Nam thường phân ra bốn loại làng rõ rệt. Một là làng nông (chuyên về nông nghiệp), hai là làng chài (chuyền về chài lưới, đánh bắt thủy sản), bà là làng buôn (chuyên về buôn bán) và bốn là làng nghề (chuyên về ngành nghề thủ công). Song, Đồng Kỵ hội tụ đủ cả bốn loại làng trên.
Vốn là một làng cổ và lớn, với truyền thống “Canh nông vi bản” nên dù có rất nhiều nghề phụ, người Đồng Kỵ vẫn rất “trọng nông”, cần cù, chịu khó, tận dung khai hoang phục hóa, cấy lúa, trồng khoai và nhiều giống rau màu khác. Song vì còn phụ thuộc vào thiên nhiên, gió, mưa, hạn, lụt thất thường nên trước Cách mạng tháng Tám chỉ cấy được 1 vụ trong năm, năng suất lúa còn hạn chế, chỉ đạt khoảng 2,7 tấn/ha.
Trải qua bao đời, con người sinh sôi nảy nở, phạm vi đất thổ cư dãn rộng ra, diện tích đất cấy trồng thu hẹp lại. Song, với kinh nghiệm canh nông được tích lũy qua nhiều đời, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là chú trọng tới công tác thủy lợi, đảm bảo việc tưới tiêu kịp thời, sản lượng nông nghiệp của Đồng Kỵ không ngừng tăng. Từ những năm 1960, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân Đồng Kỵ tham gia hợp tác xã, đi theo con đường làm ăn tập thể, ruộng đất canh tác được hai vụ một năm. Nhờ đó, năng xuất lúa tăng lên, bình quân đạt 5 tấn/ha, có những năm bội thu đạt 7-8 tấn/ha. Trong những năm kháng chiến chông Mỹ, hưởng ứng phong trào “Tất cả cho tiền tuyến”, thôn Đồng Kỵ mở ra nhiều chiến dịch trong mặt trận sản xuất nông nghiệp như: chiến dịch làm cỏ, cày bừa, phân bón, cấy, gặt… Qua các đợt thi đua, thông Đồng Kỵ luôn là đơn vị khá của huyện và tỉnh, được đón nhận nhiều bằng khen, giấy khen kèm theo một số hiện vật trao thưởng. Sự tăng trưởng của năng suất lúa căn bản giải quyết ổn định vấn đề lương thực cho đời sống nhân dân.
Bên cạnh nghề nông, Đồng Kỵ còn có nghề buôn bán trâu, bò. Người Đồng Kỵ có mặt khắp nơi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang…tìm mua rồi chuyển về chợ trâu huyện Từ Sơn, từ đây cung cấp cho khác các vùng Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương…
Trong khi những người đàn ông lo việc buôn bán ở bên ngoài thì những người phụ nữ ở quê cũng miệt mài với ruộng đồng và khung cửi. Ca dao Đồng Kỵ xưa có câu:
“Trai thì buôn bán ngược xuôi
Gái thì canh cửi, chăn nuôi, ruộng đồng”
Trước đây, cả làng Đồng Kỵ có khoảng 400-500 khung cửi. Dân Đồng Ngàn vùng Kinh Bắc xưa còn nhớ đến một loại vải nổi tiếng bán ở chợ Giầu và các chợ trong vùng, đó là loại vải Cời khổ nhỏ để trắng hoặc nhuộm nâu vừa bền, vừa mịn. Dần dần, do tác động của thị trường vải công nghiệp, nghề dệt thủ công làng Cời từng bước bị mai một.
Cùng với đó, trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, khi phong trào nuôi cá, đánh bắt cá phát triển, người Đồng Kỵ cũng nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đẩy mạnh nghề đánh bắt cá. Cả làng có tới 500-600 cặp thuyền rong ruổi tung lưới đi bắt cá khắc nơi, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình và địa phương.
Đất nước thay đổi theo quy luật của cuộc sống, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ra đời giải phóng mọi tiềm năng lao động trong mỗi con người và cả làng quê Đồng Kỵ. Điều này rất phù hợp với truyền thống năng động, sáng tạo của người Đồng Kỵ. Tiếp cận với thị trường mở cửa, nắm bắt nhanh thị hiếu của khác hàng trong và ngoài nước, người Đồng Kỵ tiếp tục nghề mộc cổ truyền của minh ở mức độ cao hơn cả về tay nghề, mẫu mã, chủng loại mặt hàng. Nghề mộc không còn là nghề mộc đơn thuần như trước mà phát triển lên mức độ tinh xảo hơn - hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp, với những đồ phỏng cổ như: sập gụ, tủ chè, các đồ thờ… có khảm trai, khảm đá chất lượng cao thu hút được khách hàng trong và ngoài nước. Các đại lý hàng mỹ của Đồng Kỵ mọc lên khắp mọi miền đất nước, vươn ra cả thị trường ngoài nước. Các công ty do người Đồng Kỵ đứng ra thành lập mọc lên ngay làng quê thu hút được hàng nghìn thợ tham gia sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong làng và nhiều lao động ở nơi khác. Ngoài việc bán các sản phẩm thủ công do mình làm ra, còn có các chợ chuyên cung cấp nguyên liệu làm đồ gỗ mỹ nghệ. Sự hối hả, tất bật ngược xuôi nhưng đầy tin tưởng ở cuộc sống mới thể hiện rõ trên gương mặt của mỗi người. Đồng ruộng trở thành thứ yếu trong nền kinh tế chung của làng.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong mọi hoàn cảnh, người Đồng Kỵ đều tìm ra cho mình một hướng đi để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình, nhưng vẫn luôn gìn giữ truyền thống của cha ông, để khi thời cơ đến, truyền thống ấy sẽ được vùng dậy, phát triển lên ở mức độ cao hơn, sáng tạo hơn và mãnh liệt hơn.
Như bao làng nghề khác, Đồng Kỵ luôn luôn có sự tác động qua lại mạnh mẽ giữa văn hóa và kinh tế. Truyền thông văn hóa như một nguồn lực tinh thần, là vốn tri thức, là mưu lược và động lức cho phát triển kinh tế và ngược lại, kinh tế là cơ sở, là nền tảng cho việc phát huy giữ gìn các giá trị văn hóa. Những truyền thống văn hóa của cha ông đã thực đẩy mọi người vươn lên tìm mọi cách để tạo ra một cuộc sống sung túc cho gia đình, cho làng xóm. Đó cũng là cơ sở để khôi phục lại những giá trị truyền thống của quê hương.
3. Truyền thống đấu tranh
Đồng Kỵ là một vùng đất có từ lâu đời và giàu truyền thống lịch sử. Ngay từ thời xa xưa, người Đồng Kỵ đã sát cánh bên nhau đoàn kết, xây dựng, bảo vệ cộng đồng làng xóm để cùng tồn tại, phát triển. Thời Hùng Vương, ở nơi đây cư dân sinh sống còn thưa thớt rải rác khắp trang Cời, trang Cọc và trang Cò. Dân quang vùng cùng nhau liên kết hòa hợp thành Tam Trang, nhằm mục đích mở rộng đất đai, đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt, chống giặc cướp phá, bảo vệ xóm làng.
Tiếp nối truyền thống đánh giặc của Thánh Thiên Cương, trong các giai đoạn lịch sử, truyền thống hào hùng ấy tiếp tục được phát huy. Thời Pháp thuộc, năm 1862-1864, trong phong trào khởi nghĩa Cai Vàng, có cụ Quận Cơ họ Dương đã tham gia khởi nghĩa phối hợp với đội quân của ông Tổng Vàng đánh vào Bắc Ninh. Khi lui quân về đến đầu làng Ó, ngựa ông sa xuống hố lầy và ông bị quân Pháp sát hại. Dân làng Ó sau này lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của ông.
Sau khi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, Dương Văn Tiến (tức Lý Tiến) - Lý trưởng làng Đồng Kỵ và Lê Văn Hồng (tức tổng Hồng, người làng Phù Khê) - Chánh tổng Nghĩa Lập, bàn nhau tập hợp lực lượng chuẩn bị khở nghĩa. Dân làng Đồng Kỵ tiến hành đào hào đắp lũy, mua sắm vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa. Nhưng do tổng Hổng trở mặt, ngầm báo với tri phủ Từ Sơn về giết hại Lý Tiến, rồi bêu đầu ông 3 ngày ở cổng thành để răn đe mầm loạn. Sau khi Lý Tiến bị sát hại, vợ và những thuộc hạ thân tín của ông tìm cách tiêu diệt tổng Hồng. Tin tổng Hồng bị giết làm cho quan phủ Từ Sơn bàng hoàng tức giận. Một mặt, chúng trình báo lên quan tỉnh về giặc Cần Vương ở Đồng Kỵ nổi loạn; mặt khác, chúng chuẩn bị cho lính về vây bắt nghĩa quân. Nhận được tin này, nghĩa quân tổ chức đưa người già, trẻ nhỏ và phụ nữ tản cư sang nơi khác, còn thanh niên trai tráng ở lại chiến đấu giữ làng. Khi lính phủ tấn công vào làng Đồng Kỵ đã bị nghĩa quân dưới sự chỉ huy của các ông Dương Văn Đại, Lê Quạt, Lê Phảy, phó Trung, phó Linh đánh bại. Hôm sau, chúng huy động binh lính tỉnh Bắc Ninh và lính phủ Từ Sơn đánh vào Đồng Kỵ. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt từ sáng đến quá trưa, nghĩa quân bị đòng vào cố thủ ở nhà thờ họ Chử. Biết không chống cự nổi quân của triều đình, ông Lê Phảy tự sát. Quân triều đình tràn vào tàn sát giết hại 36 nghĩa binh và bắt những người còn lại giải về tỉnh. Sau đó, chúng tàn phá làng Đồng Kỵ suốt 3 ngày. Để tưởng nhớ những người đã anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương, dân làng Đồng Kỵ lập miếu thờ ông phó Trung ở xóm Bằng, ông Lê Quạt, Lê Phảy ở xóm Giếng.
Đầu thế kỷ XX, cụ Đồ Khuông tham gia phong trào yêu nước của nhóm Việt Nam Quốc dân Đảng do cụ Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo. Cụ Đồ Khuông sinh ra trong một gia đình làm thuốc giàu có ở Đồng Kỵ. Cụ là một nhà nho có tính cách phóng khoáng, giao du rộng, có tinh thần yêu nước, chịu ảnh hưởng của các nhà cách mạng đầu thế kỷ XX, nhất là cụ Nguyễn Khắc Nhu, hai người dự định thành lập trường tư thục “Lập lực Quốc dân dục tài” nhưng không được thực dân Pháp chấp thuận. Các cụ chủ trương quay sang bạo động, lập kế hoạch đánh thành Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại. Cụ Đồ Khuông quay trở lại Bắc Ninh xây dựng lực lượng và chuẩn bị vũ khí. Vốn là người giao du rộng nên cụ nhanh chóng xây dựng cơ sở ở nhiều nơi. Một mặt, cụ kêu gọi hào lý trong vùng ủng hộ tiền của mua sắm vũ khí, mặt khác bí mật chế tạo bom để đánh thành Bắc Ninh.
Sau khi chế tạo thành công hai quả bom, cụ và một số người khác bí mật vận chuyển lên Đồng Lạng (thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du ngày nay) để thử lại lần cuối. Tuy nhiên, do quá trình thao tác thiếu chính xác, bom nổ, hai người tham gia thử nghiệm tử vong. Cơ mưu bại lộ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào, các cụ chạy thoát.
Như vậy, ngay từ thời Pháp thuộc, khi chưa có sự lãnh đạo của Đảng, do phải sống trong cảnh bị áp bức bóc lột nặng nề dưới ách thống trí của bọn thực dân và bè lũ tay sai phong kiến, nhân dân Đồng Kỵ đã vùng dậy tích cực tham gia các phong trào đấu tranh giành quyền độc lập. Song, do không có đường lối rõ ràng, lực lượng còn yếu nên cuối cùng đều thất bại. Sau mỗi lần thất bại, phong trào lại bị đàn áp khốc liệt. Tuy nhiên, với truyền thống bất khuất, giàu lòng yêu nước, nhân dân Đồng Kỵ quyết không chịu khuất phục.
Trải qua quá trình lịch sử, nhân dân Đồng Kỵ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, góp phần vào sự nghiệp dựng nước của dân tộc. Mỗi khi đất nước đứng trước hoạ ngoại xâm, các thế hệ người dân Đồng Kỵ lại cùng nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Truyền thống quý báu đó càng được khơi dậy và phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng./.