Những điểm mới của Dự thảo Luật Căn cước

22/11/2023 13:53 Số lượt xem: 72

            I. NỘI DUNG CƠ BẢN DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

            Để thực hiện nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đại hội Đảng khóa XIII đã đề ra là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý thì việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết.


Ảnh minh họa

Dự án Luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về căn cước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về chuyển đổi số ở nước ta theo mục tiêu của Đề án số 06 Chính phủ đang triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; trong đó, đã bổ sung dự án Luật Căn cước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Đến nay, việc xây dựng dự án Luật Căn cước đã được Bộ Công an thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự án Luật Căn cước cũng đã được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Trên cơ sở ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông họp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội và xây dựng Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội XV.

Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 điều bao gồm những nội dung cơ bản như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định theo hướng Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; căn cước điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

3. Về quy định thu thập, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân.

4. Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ “căn cước”, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

5. Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

6. Về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam; đồng thời, phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư.

7. Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

8. Về căn cước điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật quy định mỗi công dân chỉ có 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

          9. Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp về việc sử dụng thẻ căn cước công dân đã được cấp; giá trị sử dụng của chứng minh nhân dân để không làm phát sinh thủ tục hành chính, tác động đến người dân khi Luật Căn cước được thông qua, có hiệu lực thi hành./.

            II. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA DỰ THẢO LUẬT CĂN CƯỚC

Ngay sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông họp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước theo ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Ngoài việc chỉnh lý một số từ ngữ liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản, Bộ Công an cũng thống nhất với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý vào dự thảo Luật đối với 09 nhóm vấn đề gồm:

(1) Về giải thích từ ngữ (đã bổ sung giải thích đối với các thuật ngữ về sinh trắc học, định danh điện tử và xác thực điện tử đối với công dân Việt Nam, ứng dụng định danh quốc gia, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam...);

(2) Về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước;

(3) Về các hành vi bị nghiêm cấm (đã chỉnh lý, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này; sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử...);

(4) Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã bổ sung 02 nhóm thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm tên gọi khác, nơi sinh);

(5) Về thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đã chỉnh lý quy định rõ theo hướng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thu thập, cập nhật chủ yếu từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản lý và Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia,cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật; chỉ đối với trường hợp một số thông tin cơ bản như họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh... dùng để lập số định danh cá nhân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước mới yêu cầu người dân cung cấp; quy định này nhằm hạn chế tối đa việc tác động đến người dân);

(6) Về thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước (đã chỉnh lý, bổ sung quy định nguyên tắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thực hiện trên cơ sở được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc lưu trữ thông tin có sẵn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự, hành chính có trưng cầu giám định thông tin của đối tượng phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm và quy định rõ về việc chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho chặt chẽ, đầy đủ hơn);

(7) Về quy định liên quan đến thẻ căn cước (đã bổ sung, quy định rõ về loại thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; khai thác thông tin tích hợp được mã hoá trong thẻ căn cước và trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính...);

(8) Về giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước (đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về nội dung quản lý người gốc Việt Nam, thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước, giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước...);

(9) Về căn cước điện tử (đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử, giá trị sử dụng của căn cước điện tử...)./.

Nguồn: CATP Từ Sơn