Di tích lịch sử phường xã Hòa Long

18/06/2019 17:18 Số lượt xem: 4581

Phường Hòa long nằm trong vùng đồng bằng của Tỉnh Bắc Ninh, phía Tây Nam giáp phường Vạn An, từ Tây Bắc đến Đông Nam giáp vòng cung một đoạn đê sông Cầu, phía nam giáp thành phố Bắc Ninh.

Hòa Long là một vùng quê hương tươi đẹp và bình dị, có những mái đình những ngôi đền, chùa cổ kính, có đình Diềm tầm cỡ Quốc gia. Có đền, chùa, đình Quả Cảm được nhà nước xếp hạng cụm di tích lịch sử.

Thấp thoáng dưới những lũy tre xanh có những bến sông tấp nập thuyền bè, những làng quan họ với những giọng hát hay, những lời ca trữ tình, có hội kéo co nhộn nhịp đông vui, chính nơi đây cũng là cái nôi của nền văn hóa “ Xứ Bắc” là căn cứ vững chắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phường Hòa Long gồm 07 khu trong đó có 5/7 Đình làng được nhà nước xếp hạng, có 4/7 chùa được nhà nước xếp hạng, 01 đền được UNECO công nhận di sản văn hóa phi vật thể “ Viêm xá” , còn 01 đền cũng được nhà nước xếp hạng Quốc gia ‘ Quả Cảm”.

Di tích lịch sử văn hóa làng Xuân Ái

Đình làng Xuân Ái

Làng Xuân Ái phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng nằm giữa vùng trũng của phường, phía Đông giáp làng Cổ Mễ ( phường Vũ Ninh) phía Tây giáp làng Xuân Đồng, phía Nam giáp khu Y Na ( phường Kinh Bắc) Phía Bắc là Làng Hữu Chấp.

Làng có 276 hộ nguồn sống chính của người dân là làm ruộng, kết hợp chăn nuôi và làm thợ, ngày nay đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, phấn đấu trở thành làng giàu đẹp, văn minh.

Xuân Ái không chỉ là một làng quê có lịch sử lâu đời, có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, mà là một quê hương có truyền thống văn hóa với những bản sắc riêng, làm phong phú truyền thống văn hiến của quê hương Kinh Bắc.

Trong cộng đồng làng xã, người Xuân Ái có sinh hoạt tín ngưỡng khá phong phú và đặc sắc, tín ngưỡng thờ thần nước, thần giếng, tín ngưỡng thờ những người có công đánh giặc cứu nước, như căn cứ vào di tích Đình làng và các tài liệu lưu lại tại ngôi Đình (Thần phả, sắc phong, ngai thờ, bia ký) và sự lệ hàng năm mà làng tổ chức.

Di tích lịch sử văn hóa làng Đẩu Hàn

Đình làng Đẩu Hàn

Làng Đẩu Hàn phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng ở phía Đông Bắc phường bên bờ Nam sông Cầu, phía Đông – Nam giáp làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, phía Đông Bắc giáp sông Cầu, bên kia sông là huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp làng Hữu Chấp.

Làng có 450 hộ gia đình với nghề sống chính là sản xuất nông nghiệp, trong thời lịch sử dân tộc và quê hương , làng Đẩu Hàn đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm cho đến ngày nay nhân dân Đẩu Hàn thật sự vinh dự và tự hào đã đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của phường Hòa Long, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý : Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đẩu Hàn vốn là một làng cổ, có tổ chức xã hội chặt chẽ, quy củ, có đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa phong phú, đặc sắc. Nhân dân Đẩu Hàn từ xưa đã có truyền thống hiếu học, làng dựng riêng một văn chỉ để thờ Đức Khổng Tử, ông Tổ của đạo nho và bia thờ Tiến sĩ Đỗ An Vĩnh. Toàn dân có tín ngưỡng chung là tôn thờ Thành Hoàng làng ở Đình với niềm tin các vị thần Hoàng sẽ phù hộ cho dân làng đoàn kết, hòa thuận , làm ăn thuận lợi, dân an, vật thịnh.

Đình làng được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 05 gian hai dĩ tiền tế và 03 gian hậu cung, kết cấu vì theo kiểu con chồng, giá chiêng ở gian giữa, vì ván mê ở bên cạnh, nghệ thuật chạm khắc trang trí được thể hiện trên các bức cống ván nong, bẩy chủ yếu là kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong và đề tài “ Tứ linh”, mây lửa, mây lưỡi mác, với sự biến thể phong phú mang nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc thời Lê và thời Nguyễn. Đình Đẩu Hàn còn lưu lại được nhiều sắc phong và đồ vật thờ cổ quý hiếm .

Về hệ thống hiện vật cổ ở chùa Đẩu Hàn vừa phong phú  vừa có giá trị lịch sử và văn hóa đó là quả chuông đồng nặng khoảng 100kg được đúc năm 1695 đây là quả chuông đồng có niên đại xưa nhất ở Bắc Ninh

Phấn khởi và tự hào với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, nhân dân Đẩu Hàn đang ra sức phấn đấu, xây dựng quê hương, giàu mạnh, văn minh xứng đáng là một Làng văn hóa giàu truyền thống văn hiến và Cách mạng.

Di tích lịch sử văn hóa làng Xuân Viên

Làng Xuân Viên phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng nằm phía tây Nam của phường cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía Bắc, phía Đông giáp Kinh Bắc , phía Tây giáp làng Quả cảm, phía Nam giáp khu Thượng Đồng , phía Bắc giáp làng Xuân Đồng.

Làng Xuân Viên hiện nay có 186 hộ với nguồn sống chính là làm nông nghiệp, kết hợp làm vườn, chăn nuôi, dịch vụ nhỏ, đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện phát triển. Xuân Viên vốn là một làng nhỏ trong phường là nơi nằm  giáp với sông Ngũ Huyện Khê, Làng Xuân Viên khá nề nếp, quy củ và chặt chẽ, làng nằm trong vùng đất cổ nơi có làng xóm có lịch sử lâu đời và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Và đây cũng là địa bàn có vị trí quân sự quan trọng trong thời kháng chiến.

Về văn hóa lịch sử không chỉ là nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết, truyện dã sử, Xuân Viên còn có những công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo có giá trị lịch sử văn hóa đó là Đình và Chùa của làng.

Đình là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân tập trung vào ngày Hội làng trong một năm làng có hai sự kiện chính ( Thường gọi là Xuân thu – Nhị kỳ) . Đó là ngày hội Chùa vào ngày 15 tháng giêng , ngày hội lớn  của làng là ngày hội chùa.

Sự nghiệp văn hóa giáo dục được cấp ủy thôn quan tâm toàn dân chăm lo, các gia đình liệt sỹ được nhân dân chăm lo chu đáo lớp mẫu giáo , trường tiểu học được xây dựng đảm bảo cho tất cả các cháu đến tuổi đều được đến trường đi học.

Các công trình tín ngưỡng, tôn giáo như Đình, chùa được toàn dân chăm lo tu bổ, tôn tạo, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân. Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động  thu hút toàn dân tham gia với mục tiêu xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa xứng đáng với danh hiệu  đợn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Di tích lịch sử văn hóa làng Hữu Chấp

Đình làng Hữu Chấp

Làng Hữu Chấp phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng ở phía Bắc phường, bên bờ Nam sông cầu, phía Đông giáp làng Đẩu Hàn, phía Tây giáp làng Viêm Xá , phía nam giáp làng Xuân ái, phía Bắc giáp sông cầu, bên sông là Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Làng có tổng số hộ là 502 hộ chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, kết hợp làm nghề tự do, chăn nuôi thả cá

Từ xưa tới nay làng Hữu Chấp chuyên sống bằng nghề trồng cây lúa chiêm, vì cư chú ở vùng chũng thấp và nơi được xem là cái rốn nước ở các nơi đổ về. Hữu Chấp vốn là một làng cổ , đồng thời có vị trí quan trọng trong lịch sử  dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra ở địa phương được nhân dân Hữu Chấp tham gia trực tiếp trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng phát triển làng xóm, quê hương, đất nước.

Đời sống văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân phong phú và có những nét đặc sắc riêng người dân Hữu Chấp có tín ngưỡng chung của làng là tôn thờ Thành Hoàng ở đình, đình làng hữu Chấp có công trình kiến chúc cổ dựng ở giữa làng trên trục đường liên thôn, theo bài vị và sắc phong lưu lại tại đình cho biết là thờ Thành Hoàng - Thánh Tam Giang, căn cứ vào những bia đá của đình cho biết vào thế kỷ thứ XVII,XVIII đình quá quy mô nhưng cũng được người dân nhiều lần tu bổ, vẫn cất giữ được 20 đạo sắc phong của các vua đời lê, triều tây sơn và triều Nguyễn phong tặng.

Đình và chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân thôn Hữu Chấp đồng thời là địa điểm tổ chức lễ hội và các sự lệ đình đám trong năm, đặc biệt trong hoạt động lớn nhất trong năm là vào ngày mùng 4 tháng riêng âm lịch đó là lễ hội kéo co và đây cũng là lễ hội sớm nhất trong địa bàn phường Hòa Long

Ngày nay làng Hữu Chấp đã trở thành một làng có tiềm năng hoạt động kinh tế sôi động, đời sống, vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được đổi mới và  phát triển.

Di tích lịch sử văn hóa làng Quả Cảm

Đình làng Quả Cảm

Làng Quả cảm  phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng tọa lạc ven trân núi Quả cảm – Một ngọn  núi đất có hình con voi nên có tên là núi tượng, hay còn gọi là núi Kim sơn, tên làng Quả cảm được đặt theo tên núi.

Làng có tổng số hộ là 206 hộ chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn và buôn bán phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng.

Làng Quả cảm vốn có lịch sử lâu đời, làng Quả cảm là một tổ chức xã hội quá chặt chẽ, quy củ cư dân cư trú theo từng hộ gia đình, liên kết theo tộc họ , xóm ngõ, phe giáp

Làng Quả Cảm còn nhiều truyền tích liên quan đến cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà tống của quân nhân nhà lý thế kỷ XI đã xảy ra ở địa phương như các truyền tích về các địa danh bãi miễu, núi chiêng, núi trống, cánh đồng Đổ Quân, Quả cảm là làng cổ, có lịch sử lâu đời, nên làng có Đình, chùa, đền đã được nhà nước xếp hạng cụm di tích Quốc Gia.

Đình gồm 3 gian 2 chái tiền tế, ba gian hậu cung liên kết thành một tòa hình chữ Đinh , kết cấu bộ khung chắc chắn bởi các cấu kiện gỗ lim to khỏe, ngói lợp ngói mũi hài, tường xây gạch, đình được lưu giữ 10 đạo sắc  có niên đại từ thời Lê – Nguyễn và giữ được các đồ vật cổ như nồi hương gốm, sứ lọ hoa cổ men ngọc , men lam thời lý, thời Lê, thời Nguyễn.

Đền Quả Cảm nằm ở phía Đông núi Tượng thuộc khu vực bãi Miễu.theo thần tích thì bia mộ ở Đền thờ Bà Chúa sành là Trần Thị Ngọc người làng Quả Cảm vợ vua Trần Anh Tông, đền lập ở vị trí Trại sáng  một địa điểm quan trọng trên phòng tuyến Như Nguyệt, ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân nhà lý  trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống của dân tộc ta thế kỷ XI.

Chùa Quả Cảm ( tức kim sơn tự) tọa lạc trên núi Kim Sơn, hướng ra sông ngũ Huyện Khê, là công trình có kiến trúc thời Nguyễn , các công trình hiện còn của chùa còn tọa tam bảo, nhà tòa soạn. Tòa tam bảo được kiến trúc chữ Đinh gồm 5 gian 2 dĩ tiền đường và 4 gian thượng điện, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo mang tính cộng đồng của nhân dân Quả cảm thường tập trung diễn ra tại Đình, Đền chùa chủ yếu vào các ngày lễ hội và các sự kiện đình đám trong năm.

Ngày nay, Quả cảm là một quê hương có đời sống kinh tế và văn hóa khá phát triển của phường Hòa Long  thành phố Bắc Ninh với phong trào “ toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động , thu hút toàn dân tích cực tham gia đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn quy ước của làng thường xuyên được đổi mới để xây dựng và ban hành tạo cơ sở để nhân dân Quả Cảm xây dựng đời sống văn hóa, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cuộc sống của mỗi gia đình và cộng đồng đã thực sự có kỷ cương, nề nếp phát huy truyền thống lịch sử và văn hiến của quê hương , nếp sống văn minh trong việc cưới , việc tang , lễ hội được toàn dân tự giác thực hiện, Các hủ tục lạc hậu, rườm rà trong cưới , tang, được loại bỏ, mọi người thực hiện theo nghị quyết 191/2015 của hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh, xứng đáng là một địa phương giàu truyền thống lịch sử.

Di tích lịch sử văn hóa làng Viêm Xá

Đình làng Viêm Xá

Làng Viêm Xá  phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh, làng Diềm tên chữ là Viêm Xá là một làng quê trù phú mang đậm nét tọa lạc dưới chân núi Kim Sơn, bên bờ sông cầu thơ mộng.

Làng Diềm phía Đông Bắc giáp làng Hữu Chấp, phía Tây giáp làng Xuân Đồng , phía Tây Bắc và Đông Bắc là con sông Ngũ Huyện Khê chảy vòng rồi nhập với sông cầu soi bóng núi Kim Sơn tạo nên phong cảnh hữu tình.

Làng có tổng số hộ dân là 1015 hộ người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp ngoài ra con có các nghề phụ như xây dựng, mộc, chăn nuôi, thả cá và buôn bán nhỏ, làng Viêm Xá là một trong những làng trù phú của phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh, theo truyền thuyết của nhân dân  làng Diềm là một làng cổ trải qua trường kỳ lịch sử và qua các triều đại làng đã thay đổi nhiều lần về hành chính.

Làng Viêm Xá vốn là một làng cổ, có lịch sử lâu đời, có đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và đặc sắc, là làng gốc quan họ, quê hương của Đức Vua Bà thủy tổ quan họ, truyền thuyết kể rằng Đức Vua bà là con gái Vua Hùng  theo thần tích và các tài liệu lưu giữ tại đền.

Lễ hội đền Vua Bà được tổ chức vào ngày 6/2 âm lịch hàng năm làng Diềm còn là trung tâm lưu giữ nhiều truyền thuyết , truyện cổ, ca dao, tục ngữ khá phong phú và còn lại nhiều di tích và văn hóa tiêu biểu, đặc sắc đó là Đình Diềm, đền thờ Đức Vua Bà, chùa Hưng Sơn, đền Cùng ( hay đền giếng)

Về Đình Diềm công trình kiến trúc tín ngưỡng , nằm ở trung tâm của làng quay hướng Nam trông ra hồ thủy Đình phía trước làng, kiến trúc đình gồm Tiền tế (Bị mất) tòa đại đình gồm 7 gian, 4 mai đao cong mềm mại, đặc sắc nhất của đình là bức cửa võng , đó là tác phẩm điêu khắc thể hiện 99 hình đầu rồng xen lẫn mây cùng nhiều họa tiết khác rất sinh động, bức cửa võng được sơn son thiếp vàng trông như một cung điện nguy nga lộng lẫy.

Đền Vua bà Thủy tổ quan họ

Đền Vua Bà có giá trị về lịch sử văn hóa đã được UNETCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như mới đây đã được nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp địa phương đã tiến hành tu bổ và xoay  hướng đền Vua Bà cùng với hướng đình làng.

Chùa Hưng Sơn có quy mô kiến trúc bề thế toàn bộ kiến trúc của chùa là gỗ lim tường xây gạch mái lợp ngói các bộ phận kiến trúc được trạm khắc, đắp vẽ khá tinh sảo các tài liệu văn tự (bia ký) cho biết là vào đầu thế kỷ XVII chùa Hưng Sơn là một danh lam cổ tự nổi tiếng của sứ Kinh Bắc.

Đền Cùng được xây dựng ở đầu làng nơi để đón quý khách mỗi khi tới thăm quan, vãn cảnh, về kiến trúc đền cùng đơn giản, mộc mạc nhưng hữu tình, đậm nét ở phần đền còn lưu lại hệ thống cột đá cổ và hai tượng chân dung công chúa Thủy Tiên và Ngọc Dung và đặc biệt là giếng cổ trước đền. Đền cùng là công trình tín ngưỡng từ lâu đời được nhân dân ngưỡng vọng thờ phụng.

Ngày nay trong cuộc sống đổi mới người Viêm Xá đã có bước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế xã hội và văn hóa hoạt động kinh tế đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ thực hiện các chủ trương  đường lối chính sách của Đảng, nhà nước được toàn dân thực hiện nghiêm chỉnh, các gia đình chính sách được toàn dân chăm lo chu đáo, các tệ nạn xã hội được tích cực phòng chống , ngăn chặn và đẩy lùi.Vệ sinh môi trường được quan tâm đảm bảo làng xóm phong quang sạch đẹp, những di sản văn hóa được toàn dân chăm lo bảo tồn, phát huy các công trình đình, chùa, đền được bảo vệ trông nom chu đáo , nhân dân góp công , của cùng nhà nước tiến hành tu bổ và tôn tạo.

Di tích lịch sử văn hóa làng Xuân Đồng

Chùa làng Xuân Đồng

Làng Xuân Đồng  phường Hòa Long thành phố Bắc Ninh tỉnh Bắc Ninh nằm tọa lạc ven chân núi Tượng gần bờ sông Ngũ Huyện Khê, Phía Đông giáp làng Xuân Ái, phía Tây giáp làng Viêm xá, phía Nam giáp làng Xuân Viên, phía Bắc giáp làng Hữu Chấp.Tổng số hộ 182 hộ nguồn sống chính của nhân dân Xuân Đồng là làm nông nghiệp  trồng rau và phát triển nghề thợ mộc phục vụ cho người dân bản địa.

Làng Xuân Đồng vốn là làng không lớn nhưng tổ chức và thiết chế xã hội của làng Xuân Đồng cũng khá quy củ và chặt chẽ người dân cư trú thành từng hộ, làng phân thành hai xóm , xóm núi và xóm chùa .

Làng Xuân Đồng là những làng cổ có lịch sử lâu đời có nhiều nguồn tài liệu còn lưu lại trong các Di Tích đình, chùa như thần tích, bia ký, địa danh sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đã cho thấy vào thời Hậu lê thế kỷ thứ XVII.  Xuân Đồng là một làng khá trù phú các hoạt động kinh tế, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở đây khá nhôn nhịp sầm uất , Chùa của làng được xây cất khá quy mô  với sự công đức tiền của của nhiều nhà hảo tâm và luôn được trùng tu mở rộng.

Đình Xuân Đồng là chứng tích lịch sử lâu đời và đời sống tâm linh của làng đã chứng tỏ một làng quê trù phú và có truyền thống văn hiến, hiện vạt tài liệu trong đình khá phong phú , bản thần tích chữ hán soạn năm 1572. Có 7 đạo sắc phong có niên đại Quang Trung  và thời Nguyễn .

Chùa Xuân Đồng  tên chữ là Linh Quang Tự nằm ở phía Đông Bắc của làng cùng khu với đình làng, khu khuôn viên của chùa, tòa Tam quan, Tòa tam bảo, nhà tổ , nhà Mầu , gác chuông, nhà khách được bố trí phong thủy hữu tình.Đình, chùa là trung tâm diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng của toàn dân tập trung trong những ngày tổ chức các lễ hội, sự lệ đình đám theo phong tục của làng Xuân Đồng  diễn ra hàng năm.

Ngày nay Xuân Đồng là một làng có đời sống kinh tế, văn hóa phát triển phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động mạnh mẽ cùng nhân dân tham gia đem lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn đường làng, ngõ xóm đã bê tông hóa các công trình văn hóa giáo dục được quan tâm, làng luôn tự hào và phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương, nhân dan Xuân Đồng đang nỗ lực đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh .

Nguồn: UBND xã Hòa Long