Di tích lịch sử văn hóa phường Thị Cầu

12/06/2019 11:01 Số lượt xem: 1741

Thị Cầu thuộc trấn Kinh Bắc ở trong một vùng từng là thủ phủ của nhà Đông Hán, đô hộ nước ta hàng ngàn năm; Nhân dân chịu ảnh hưởng sâu sắc Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo qua nền Hán học. Trải qua đêm trường bắc thuộc lâu dài, cùng Nhân dân cả nước, Nhân dân Thị Cầu đã đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, không chịu sự đồng hóa của nước ngoài. Là mảnh đất hiếu học, khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) cả nước có 33 tiến sỹ, trong đó Thị Cầu có đệ nhất giáp tiến sĩ Trần Bá Linh. Đến khoa thi Tân Mão (1891) có Nguyễn Sách đỗ cử nhân. Nhiều ông tú, về làng làm “thầy đồ” mở lớp “tại gia” dạy con trẻ, như các cụ đồ: đồ Trà, đồ Kính, đồ Mô, đồ Ngự, đồ Nghi, đồ Phái …

Vào thời Lê Sơ, Văn miếu Bắc Ninh được khởi dựng tại Thị Cầu, tu bổ năm Gia Long thứ nhất (1802) làm lại năm Thiệu Trị thứ tư (1838). Dưới thời Nguyễn chuyển về núi Phúc Sơn (còn gọi là Núi Nác, thuộc địa phận phường Đại Phúc - thành phố Bắc Ninh hiện nay).

Đình Kim

Đình Kim (vị trí trường THCS hiện nay) tôn thờ Đức Thánh Tam Giang, là nơi trung tâm hội làng, xưa hội làng “vào đám” suốt thời gian nửa tháng tám âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra qua các hình thức chính như rước thần, tế thần, thi cỗ … Trong những ngày hội, từ chập tối đến nửa đêm, thường tổ chức hát tuồng cổ tại sân nhà hậu và hát trống quân ở các xóm. Gia đình nào cũng bày cỗ trông trăng cho con cháu vui tết Trung Thu vào đêm rằm. Qua chiến tranh chống thực dân Pháp, đình Kim không còn nữa. Các thần tích, thần phả và nhiều cứ liệu về niên đại xây dựng…đã bị thất lạc. Năm 2006, Nhân dân Thị Cầu xây dựng lại đình Kim tại khuôn viên đền Điều Sơn.

Đền Điều Sơn

Đền Điều Sơn thờ thân mẫu Đức Thánh Gióng được phong là Mẫu nghi thiên hạ Thượng đẳng thần và thờ bà công chúa Khôn Ninh (con gái Lê Lai, con nuôi vua Lê Lợi) là vợ tướng Trần Lựu.

Thị Cầu còn có hai ngôi chùa xây cất từ hàng trăm năm về trước là chùa Điều Sơn và chùa Cao Sơn. Hội chùa Điều Sơn được tổ chức vào ngày 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm, ngoài việc dâng hương lễ phật, còn có ngày tổ chức cỗ chay, hát “kể hạnh” và hát quan họ. Đến nay chùa Điều Sơn cùng với đền Điều Sơn tạo thành một cụm di tích lịch sử - văn hóa, được Nhà nước xếp hạng ngày 02 tháng 3 năm 1990. Chùa Cao được xây dựng bên sườn núi Thiềm thuộc địa phận xóm Đìa núi ngày nay. Hàng năm có nhiều đoàn khách trong và ngoài làng về dâng hương lễ Phật và vãng cảnh, nhất là vào dịp Lễ thượng nguyên (rằm tháng giêng âm lịch).

Thị Cầu được nhiều người biết đến không chỉ bởi là một làng quan họ gốc, cách chơi Quan họ cũng có nét đặc trưng mà còn lưu truyền bộ môn nghệ thuật độc đáo là trống Cổ Bộ, do có người con họ Hoàng đi lính cận vệ tại cung đình Huế, được xung vào đội nhạc cung đình, gắn bó cả đời với trống Cổ Bộ, khi tuổi già về quê, ông đã truyền lại cách diễn tấu trống cho người dân trong làng.

Ở Huế, trống Cổ Bộ được sử dụng trong nhiều dịp như đón vua ngự giá, đón sứ thần, tế Nam Giao…, có khi dùng để báo hiệu chuẩn bị vào buổi lễ chầu, có bài dùng để đưa nhịp chân các quan khi kết thúc buổi chầu. Để phù hợp với những lễ nghi địa phương, người dân chỉ sử dụng và lưu truyền 6 bài là Rung một, Rung hai, Hoa rơi, Bổ ba, Đánh lăn và Bổ chín. Độc đáo và tinh tế, trống Cổ Bộ đã ăn sâu vào tiềm thức, được người dân địa phương trân trọng gìn giữ, trở thành niềm tự hào của người dân Thị Cầu, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Thị Cầu.

Sự kết hợp tinh hoa văn hóa lâu đời với những yếu tố tiến bộ của nền văn hóa bên ngoài, là những cơ sở quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, phong cách người Thị Cầu yêu nước, cầu tiến bộ, trân trọng truyền thống dân tộc.

Nguồn: UBND phường Thị cầu