Chuyện kể từ những chiến sỹ Điện Biên

07/05/2024 16:35 Số lượt xem: 163

70 năm trôi qua, những người lính Điện Biên năm xưa, nay tuổi đã cao, chân chậm, mắt mờ, nhưng khi kể về câu chuyện 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, họ như sống lại những ngày tháng hào hùng ra trận. Hiện trên địa bàn thành phố Từ Sơn còn 9 thương bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Đây là những nhân chứng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của thành phố Từ Sơn.

Dù đã gần 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày tháng chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh (CCB) Đào Anh Nguyên ở khu phố Đình (phường Đình Bảng) vẫn bồi hồi, xúc động. Ông nhập ngũ tháng 1/1953 vào Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 ở Đồng Bẩm (Thái Nguyên).

CCB Đào Anh Nguyên  tham gia chương trình tọa đàm giáo dục truyền thống

          CCB Đào Anh Nguyên nhớ lại: “Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt. Chúng tôi bắt đầu hành quân từ Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ. Để tránh pháo của địch, giữ bí mật hướng chiến dịch, đơn vị chúng tôi hành quân chủ yếu vào ban đêm, bám dọc theo các sườn núi. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ cứu thương. Công tác quân y ở chiến dịch Điện Biên Phủ khác rất nhiều so với các chiến dịch trước. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện điều trị dưới các hầm bí mật. Đường vận chuyển thương binh được xác định là hệ thống giao thông hào. Khi ấy, tổ cứu thương chúng tôi có 9 người. Mỗi người phải mang theo bông băng, thuốc men và dụng cụ sơ cứu. Cuối tháng 4/1954, những ngày trời mưa to, nước thấm chảy vào các hầm, công tác sơ cứu gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng mọi người quyết tâm động viên nhau vừa gia cố, sửa chữa lại hầm, hào vừa nỗ lực sơ cứu vết thương cho đồng đội tuyến đầu mặt trận. Tại cứ điểm đồi A1, quân ta và địch quyết chiến, giằng co giành giật với nhau từng mét hào. Địch bị tiêu hao lực lượng nhiều nhưng quân ta cũng tổn thương không ít. Có ngày tổ cáng thương chúng tôi phải sơ cứu hàng trăm đồng đội. Mặt ai cũng bê bết máu và bùn đất, chúng tôi nhanh chóng băng vết thương cầm máu, rồi khẩn trương đưa anh em về trạm cấp cứu. Chiều 7/5/1954, nghe tin tướng Đờ Cát cùng Bộ Tham mưu địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng, anh em quân y và thương binh dưới hầm hò reo vui sướng”. Sau chiến dịch Điện Biện Phủ, ông Đào Anh Nguyên vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đất nước hòa bình, độc lập CCB Đào Anh Nguyên tích cực nghiên cứu các tài liệu về y học để khám, chữa bệnh cho người dân, hiện nay cơ sở y học cổ truyền Đào Nguyên duy trì hoạt động hiệu quả, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh ở nhiều địa phương.

 

CCB Nguyễn Đức Vân cùng đồng đội trên đồi A1 sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi

          Chia tay CCB Đào Anh Nguyên, chúng tôi về thăm CCB Nguyễn Đức Vân, 87 tuổi ở khu phố Doi Sóc (phường Phù Chẩn). Cầm bức ảnh chụp cùng đồng đội trên đỉnh đồi A1 sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Ông kể, tháng 9/1953, khi ấy ông tròn 16 tuổi đang học lớp 9, ông cùng 36 học sinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu để bảo vệ đất nước. Ông nhập ngũ vào Trung đoàn 77 (Phú Thọ), sau 5 tháng học tập, huấn luyện, đúng ngày mùng 5 Tết năm Giáp Ngọ (năm 1954), ông nhận được lệnh của đơn vị hành quân tham gia một chiến dịch lớn. Hành quân lên phía Bắc, qua Mộc Châu (Sơn La) sang Nghĩa Lộ (Yên Bái) đến Điện Biên người lính trẻ được biên chế vào Đại đội 9-4, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Lúc bấy giờ, người chiến sĩ trẻ mới biết mình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và Trung đoàn 174 là đơn vị chủ công của Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh đồi A1. Cứ đêm xuống, ông Vân cùng các đồng chí trong đơn vị thay nhau đào hầm ngầm. Ròng rã hơn nửa tháng mới đào xong đường hầm ngầm để đặt khối bộc phá nặng khoảng gần một tấn. Điều làm ông Vân nhớ nhất là khoảnh khắc vào đêm 6/5/1954, đơn vị của ông được lệnh kích nổ khối bộc phá. “Ông cùng các đồng đội rút lui nhanh khỏi hầm ngầm. Vừa rút lui vừa nghe thấy một tiếng nổ vang xa, quay đầu nhìn lại trên đồi A1 có một khối đỏ rực và khói lớn đang phất lên. Đơn vị của ông nhận được lệnh của cấp trên, đồng loạt nổ súng bắn chế áp quân địch và tấn công. Rạng sáng ngày 7/5/1954, trước khí thế tiến công mạnh mẽ của quân ta, số quân địch còn lại hết sức choáng váng, chống cự yếu ớt. Thừa thắng xông lên, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1, quân địch còn sống sót đồng loạt bỏ súng xin hàng”. Sau giải phóng Điện Biên, ông Vân được giao nhiệm vụ áp giải tù binh Pháp đến sân bay Thanh Hóa để trao đổi. Sau hơn 1 tháng hành quân, trở lại đơn vị, ông được giao nhiệm vụ làm công tác văn thư.

         

 

CCB Nguyễn Đức Vân tại gia đình

Đến năm 1959, ông xin phục viên trở về quê hương xây dựng gia đình, tham gia làm văn thư tại Văn phòng phường Phù Chẩn. Dù rời quân ngũ, nhưng ông Nguyễn Đức Vân vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; Năm 1961 sau khi tham gia khóa học bổ túc công nông, ông về dạy văn hóa, xóa mù chữ cho người dân, rồi làm giáo viên trường cấp I, cấp II phường Phù Chẩn cho đến khi nghỉ hưu.

70 năm đi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là những ký ức sâu sắc trong tâm trí CCB Đào Anh Nguyên và Nguyễn Đức Vân. Trở về cuộc sống đời thường, họ tiếp tục nêu cao tinh thần Chiến sĩ Điện Biên, gương mẫu và đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương; chăm lo giáo dục con, cháu tiếp bước truyền thống cha ông, ra sức học tập, lao động sản xuất, đóng góp tích cực xây dựng quê hương giàu đẹp và góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

HD