THÔNG TIN CHUNG
1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên:
- Xã Tân Chi là một xã nằm ở cuối phía Đông huyện Tiên Du, là xã nằm giáp danh giữa ba huyện Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, phía Bắc tiếp giáp với xã Lạc Vệ; phía Đông tiếp giáp với xã Hán Quảng (huyện Quế Võ); phía Nam tiếp giáp với sông Đuống (huyệnThuận Thành); phía Tây tiếp giáp với xã Minh Đạo (huyện Tiên Du). Toàn xã có tổng diện tích chiều dài là 4.5 km và tổng diện tích là 7.5 km2. Hiện nay, có 01 tuyến Quốc lộ 38 và 02 đường tỉnh lộ 287 và tỉnh lộ 276 chạy qua trên địa bàn xã. Với điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, nên đã thu hút được nhiều cơ quan, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn …Toàn xã được chia ra làm 05 thôn, có 08 chi bộ với 360 Đảng viên đang sinh hoạt trong Đảng bộ. Dân số toàn xã có 9.532 nhân khẩu với 2634 hộ gia đình sinh sống trên địa bàn, phần lớn là cư dân sống từ đời này qua đời khác, có mối quan hệ cố kết cộng đồng dân cư bền chặt, đoàn kết. Hiện nay Tân Chi là một địa phương có đủ các loại hình kinh tế Nông nghiêp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, tổng diện tích đất tự nhiên là 748,6ha trong đó đất nông nghiệp của xã là 260 ha, nằm trong vùng quy hoạch của Tỉnh và Huyện xen kẽ với các dự án đã thu hồi, do đó sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất là khâu điều tiết nước phục vụ sản xuất, song dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, HĐND, sự điều hành trực tiếp của UBND xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động phối hợp đồng bộ giữa tập thể cán bộ và nhân dân toàn xã trong việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ trong nhiều năm qua đã thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra.
2. Quá trình hình thành và phát triển:
- Tân Chi mới có từ năm 1947 trên cơ sở hợp nhất hai xã Chi Nê và xã Tân Dân, xã Chi Nê cũ gồm các thôn Chi hồ, Chi Trung và Chi Đống, xã Tân Dân gồm thôn Chi Nội (còn gọi là Chi Nê Nội), Tư Vi, Văn Trung. Đầu thế kỷ XX trở về trước, xã Chi Nê có 5 thôn là Đông, Đống, Hồ, Ngọc – Tân, Trung, Thôn Đông và thôn Ngọc Tân sau này được sát nhập vào thôn Chi Hồ, Chi Trung, năm 1952 địch lập vành đai trắng và không cho dân ở ven đường 38 chúng dồn dần vào làng Tư Vi vào làng Chi Nội, hòa bình lập lại, làng Tư Vi lại trở về nơi ở cũ của mình, đến giữa năm 1966 do có việc hợp nhất hai HTX, hai làng mới nhập làm một và lấy tên là thôn Tư Chi. Đến thời điểm hiện tại xã Tân Chi gồm 5 thôn Văn Trung, Tư Chi, Chi Đống, Chi Hồ và Chi Trung.
2.1. Thôn Chi Hồ:
Trước năm 1907 thôn Chi Hồ là hai thôn Đông và Hồ sau đó thôn đông được sáp nhập vào thôn Hồ thành một thôn trực thuộc xã Chi Nê, tổng Chi Nê, từ năm 1947 trở đi th uộc xã Tân Chi, thôn có hai xóm là xóm Đông và xóm Hồ, trước tháng 8/1945 thôn có 4 giáp: Đông, Chính, Tây, Thịnh, tính đến tháng 6/200 thôn có 2092 người, số hộ gia đình là 472 diện tích đất tự nhiên là 1.500.000m2, diện tích đất canh tác là: 1.100.000m2. Các dòng họ của thôn như: Nguyễn Huy; Phan Khắc: Nguyễn Văn; Phan Văn; Đỗ Đình; Nguyễn Nhân; Nguyễn Hữu;Phan Đăng; Hoàng Xuân;Nguyễn Bá; Nguyễn Đức; Nguyễn Ngọc, trong đó dòng họ Phan Khắc và Nguyễn Nhân chiếm đa số.
2.2. Thôn Chi Trung (tên nôm là làng Trung).
Trước năm 1907 thôn Chi Trung là hai thôn Ngọc Tân và Chi Trung sau đó thôn Ngọc Tân được sáp nhập vào thôn Chi Trung thành một thôn, thuộc xã Chi Nê, tổng Chi Nê, từ năm 1947 trở đi thuộc xã Tân Chi.
Tính đến tháng 6/200 thôn có 1387 người, 320 hộ. các dòng họ của thôn như: Lại Đắc; Ngô Đức; Ngô Văn; Dương Phú; Dương Đình; Phan Văn; Trần Đức; Dương Đắc, dòng họ Lại Đắc chiếm đa số.
2.3. Thôn Chi Đống (tên nôm là làng Đống có thời kỳ gọi là làng Thượng) thời xa xưa gọi là Cổ Chi:
- Tính đến tháng 8/200 có 1462 người, 330 hộ, trong làng có nhiều dòng họ như: Dương Danh; Nguyễn Trọng; Dương Đình; Trần Đức; Nguyễn Văn; Dương Quang; Nguyễn Quang; Hoàng Văn; Hoàng Xuân; Dương Đắc; Nguyễn Thế; Nguyễn Đình; Nguyễn Quốc; Nguyễn Hữu; trong đó Nguyễn Trọng và Dương Danh chiếm đa số.
2.4. Thôn Tư Chi:
- Làng Tư Chi mới có từ năm 1966, do sự sáp nhập làng Chi Nội với làng Tư Vi thành một làng Tư Chi.
Làng Chi Nội tên đầy đủ là Chi Nê Nội, được thành lập từ năm 1487, thời ký đó làng có tên là Chi Nê Nội, trang sau được đổi là Trình Gia Trang, sở dĩ có tên đó là Thời Lê Thánh Tông (1497) có vị quan tên là Trình Thanh, người thôn Trúc Khê, xứ Sơn Nam, đỗ Hoàng Giáp hai lần đi xứ, khi được về chí sỹ ông không về quê quán, nhà vua cho về khu vực Chi Nê chiêu dân lập ấp, khai phá đất đai, mở trường dạy học, ông đặt tên đất là Trình Gia Trang. Làng Chi Nội có dòng họ Nguyễn Thế; Nguyễn Trọng; Nguyễn Tiến; Hà Sỹ; Nguyễn Văn; Vũ Văn; Nguyễn Nhân…
Làng Tư Vi được thành lập năm 1785 những người lập ra làng phần lớn là những người họ Đinh ở làng Dũng Vi xã Tri phương vì vậy làng mới có tên là Tư Vi, làng có tên nôm là Ve Nội, khi mới thành lập, làng là đơn vị trực thuộc xã Chi Nê. Tính đến tháng 6/2000 thôn cso 1359 người, 325 hộ, diện tích tự nhiên là 1.320.000m2, đất canh tác là: 920.000m2. Trong thôn có nhiều dòng họ sống chung: Nguyễn Trọng; Nguyễn Thế; Đinh Văn; Nguyễn Viết; Đinh Đức…
2.5. Thôn Văn Trung:
- Vốn xưa kia là một ấp nhỏ, ấp được thành lập năm 1893, khi đó ấp chưa có tên, người đứng ra lập ấp là ông Phan Văn Trạch, khi ông là cai bạ tỉnh Bắc Ninh, cả ấp mới có 30 hộ, ông bèn đặt tên là ấp Văn Trạch, sau đó Bà Lý Đỗ tổ chức cướp đường 38, làng bị triều đình triệt hạ, chỉ còn 5 – 6 người sống sót, chạy sang Gia Bình – Lương Tài, sau này ông Vũ Quang Nhà làm tổng đốc tỉnh Bắc Ninh mới chiêu tập dân làng Trung Lao, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định và một số dân Thái Bình, Hưng Yên lên khai phá và gọi là ấp Văn Trung, tính đến tháng 6/2000 cả thôn có 1145 người, 270 hộ (có 23 người theo đạo thiên chúa). Trong thôn chủ yếu là dòng họ Hà Quang; Nguyễn Đình; Nguyễn Hữu; Nguyễn Văn; Hà Duy; Vũ Văn; PHạm Văn; Khương Đình; Trần…
3. Di tích lịch sử văn hóa:
- Toàn xã Tân Chi có 06 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng trong đó 03 chùa (Chùa Chi Nội thôn Tư Chi; Chùa Đông thôn Chi Hồ; Chùa Giáo Đường thôn Chi Trung); 03 Đình (Đình Chi Nội, đình Tư Vi thôn Tư Chi; Đình Đông thôn Chi Hồ).