Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội
(BNP) - Chiều 26/10, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này về cơ bản đã được chỉnh lý theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu cũng như các chuyên gia. Đại biểu nhất trí với các quy định tại một số điều khoản và kỳ vọng rằng dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý vận hành, sở hữu, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại biểu, về nguyên tắc lập phương án bồi thường, tái định cư khoản 2 Điều 70 quy định: “Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn”. Việc quy định chung chung như dự thảo Luật là rất khó thực hiện trên thực tế bởi nếu các chủ sở hữu nhà chung cư không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư thì xử lý như thế nào? Mức độ đồng thuận này ra sao dự thảo cũng không quy định rõ? Do vậy, cần quy định ngay tại dự thảo Luật, xác định rõ tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ; đồng thời bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định.
Về đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, đối với đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nếu liệt kê như dự thảo thì những người có thu nhập thấp (vẫn còn trong thực tế nhưng không thuộc 12 đối tượng thống kê tại Điều 76) thì lại không được hưởng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội. Do đó, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi Điều 76 Dự thảo theo hướng qui định tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai, mà không liệt kê 12 loại đối tượng cụ thể như Điều 76 dự thảo.
Việc liệt kê các loại đối tượng, không chỉ 12 loại mà có thể nhiều hơn nữa nên được thể hiện tại Điều 77 và Điều 78, để cụ thể hóa các điều kiện và có hình thức, chính sách hỗ trợ khác nhau cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
Với điều kiện về nhà ở, để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 78 Dự thảo, đại biểu đề nghị quy định rõ và hướng dẫn cụ thể để tránh những vướng mắc phát sinh trên thực tế. Đơn cử như: Trường hợp các đối tượng sống chung với bố mẹ là người có nhà ở, nhưng nhà ở đó không thuộc sở hữu của bản thân họ thì vẫn thuộc đối tượng được hưởng chính sách. Hiện nay, các đối tượng sống chung, chung hộ khẩu với bố mẹ phải thực hiện thủ tục tách khẩu mới đáp ứng điều kiện để được hưởng chính sách, điều này phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân.
Với điều kiện thu nhập, dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng quy định giao cho Chính phủ: “phải đáp ứng các điều kiện về thu nhập theo quy định của Chính phủ”. Đại biểu cho rằng, cần phải quy định rõ ràng ngay tại dự thảo nhằm đảm bảo tính thực thi ngay khi luật có hiệu lực, tránh tình trạng Luật chờ Nghị định.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị rà soát, cắt giảm các điều kiện, thủ tục hành chính về hồ sơ giấy tờ chứng minh, xác nhận tạo thuận lợi cho người lao động được tiếp cận với chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nhân văn này.
Về việc nên hay không nên quy định Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Hà đồng tình với phương án 1: nhất trí Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Về xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công (Điều 87), theo đại biểu, cần nghiên cứu bổ sung thêm thủ tục điều chỉnh giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội. Bởi lẽ, chi phí đầu tư xây dựng công trình được xác định ở giai đoạn đủ điều kiện được bán/cho thuê/cho thuê mua (sau khi hoàn thành phần móng nhà chung cư) thường không sát với chi phí đầu tư xây dựng thực tế. Trong giai đoạn vừa qua, giá vật liệu xây dựng nói riêng và chỉ số giá xây dựng nói chung tăng nhanh, chi phí dự phòng được xác định ở thời điểm thẩm định giá không đủ cho yếu tố trượt giá, dẫn đến chi phí xây dựng công trình tăng. Việc dự thảo Luật không có quy định về việc điểu chỉnh/bổ sung giá bán/giá thuê/giá thuê mua sẽ dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư nếu không được điều chỉnh giá bán/giá thuê/giá thuê mua.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị cần xem xét lại quy định giao dịch về mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai… không bắt buộc phải có giấy chứng nhận tại điểm a khoản 2 Điều 160 dự thảo cho phù hợp với quy định tại Điều 45 dự thảo Luật đất đai nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 45 Dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất… là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Trước đó, sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).