Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Cần có quy định cụ thể bảo vệ nhà giáo
(BNP) - Sáng 20/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Hà, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề xuất bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo được thảo luận vào đúng ngày Hiến chương của các nhà giáo có ý nghĩa rất đặc biệt đối với toàn ngành Giáo dục. Luật Nhà giáo nếu được ban hành sẽ là niềm vui cho các nhà giáo khi có những quy định cụ thể, đầy đủ hơn nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, bảo vệ chính mình, đồng thời cũng yêu cầu đội ngũ nhà giáo phải nỗ lực, cố gắng thường xuyên, không ngừng để đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới.
Về vấn đề đạo đức nhà giáo, quy định bảo vệ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mà quyền của học sinh và phụ huynh được đề cao thì quyền của nhà giáo dường như đang bị xem nhẹ, nhất là quyền được bảo vệ nhân phẩm, danh dự nói chung và nhân phẩm, danh dự trên không gian mạng nói riêng. Vì vậy, đại biểu ủng hộ điều khoản quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo để nhấn mạnh và tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện nhằm bảo vệ nhà giáo. Cụ thể, tại điểm b, mục 3 trong Điều 11 quy định: Tổ chức, cá nhân không được công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Theo đại biểu, nội dung quy định này không hề vướng các quy định về thông tin phát ngôn hay có bất cứ yếu tố “bênh vực” nào cho nhà giáo. Điều này sẽ bảo vệ hình ảnh nhà giáo nói chung, tránh tình trạng “vài con sâu làm rầu nồi canh”. Ngoài ra, nội dung quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh các mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm thì đã có các chế tài xử lý theo quy định, nhưng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nhất là khi nhà giáo trực tiếp đứng lớp, trực tiếp có ảnh hưởng lớn đối với tâm lý của người học. Vì vậy, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là hàng triệu tương lai của đất nước.
Về công tác đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức nhà giáo, đại biểu cho rằng, thời nào cũng vậy, người giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách vinh quang, lớn lao, nhưng rất đỗi nhọc nhằn. Đó là trách nhiệm “trồng người”. Người thầy luôn được coi là tấm gương sáng để các thế hệ học sinh noi theo. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số vụ việc giáo viên có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực, có những hành vi phản cảm trong môi trường sư phạm tôn nghiêm, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thể chất của học sinh cũng như làm giảm sút uy tín, hình ảnh của người thầy, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tại khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo. Tuy nhiên, cần phải rà soát quy định tại các Điều/khoản khác để làm đậm nét hơn các quy định về đạo đức nhà giáo, tính nêu gương của nhà giáo (như ngành Y có quy định về y đức tại Quyết định 2088/BYT-QĐ từ năm 1996) và việc bảo vệ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu đề xuất bổ sung quy định bảo vệ nhà giáo trước các hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự nhà giáo đến từ học sinh, phụ huynh hoặc các bên khác. Các chế tài để xử lý vi phạm đối với các vi phạm đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cần cụ thể và rõ ràng hơn.
Tại Điều 34 quy định về bồi dưỡng nhà giáo, dự thảo mới tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn hoặc năng lực quản lý mà chưa có nội dung về bồi dưỡng đạo đức nhà giáo. Vì vậy, đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung quy định nội dung về đào tạo, nâng cao chuẩn mực đạo đức, hành vi cho nhà giáo.
Về chính sách hỗ trợ nhà giáo, tại điểm d, khoản 1, Điều 27 dự thảo Luật quy định: Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương. Đại biểu cho rằng đây là đề xuất hợp lý, nhằm khuyến khích người trẻ vào nghề dạy học. Theo số liệu khảo sát của BGD-ĐT, trong làn sóng giáo viên bỏ nghề thời gian vừa qua, có tới 61% ở tuổi dưới 35 và một trong những lý do dẫn tới tình trạng này là thu nhập không đủ trang trải cho nhu cầu sinh hoạt. Trong khi người trẻ đang trong độ tuổi phấn đấu, học tập nâng cao trình độ và chưa có tích luỹ. Đây cũng sẽ là một phần của việc hiện thực hóa mục tiêu lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương.
Tại Điều 26 quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo trong dự thảo liệt kê nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, chính sách quan trọng được các nhà giáo quan tâm nhiều là chính sách ưu đãi về tài chính. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đối với giáo viên ở vùng Nam Bộ, kết quả cho thấy giáo viên rất quan tâm đến chính sách vay vốn, vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ. Đại biểu đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính vào Điều 26 (Chính sách hỗ trợ nhà giáo) hoặc Điều 27 (Chính sách thu hút nhà giáo)./.