Đại biểu Nguyễn Thị Hà tham gia nhiều ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
(BNP) - Sáng 23/11, tham gia ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này được kỳ vọng sẽ có những giải pháp đột phá để thực hiện được lộ trình cải cách chính sách BHXH để BHXH từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hà đã tham gia một số ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, giảm thiểu việc người lao động hưởng BHXH một lần và nghiên cứu, bổ sung quy định đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, bị rút giấy phép kinh doanh.
Thứ nhất, về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Tại điểm b, khoản 1, Điều 64 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có quy định trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp “làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2021”.
Tuy nhiên, giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp nêu tại điểm này, do đó tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 64 dự thảo luật (tức là nữ đến 60 tuổi mới được nghỉ hưu).
Điều này là chưa phù hợp, do đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ khoảng 2 - 6 tuổi, lứa tuổi khá hiếu động, trong quá trình làm việc giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em. Do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Ngoài ra, tại điểm c khoản này, dự thảo luật có quy định giao cho Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định theo hướng xác định “giáo viên mầm non” là “trường hợp đặc biệt” và Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù của giáo viên mầm non hoặc bổ sung “giáo viên mầm non” là nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 64 nêu trên. Đây cũng chính là nguyện vọng thiết tha của các cử tri là giáo viên mầm non tại Bắc Ninh.
Thứ hai, về việc giảm thiểu việc người lao động hưởng BHXH một lần. Tại mục 2, Chương II về Tổ chức thực hiện BHXH có quy định rất nhiều nội dung về “bảo hiểm thất nghiệp”. Tuy nhiên, hiện nay chế độ “Bảo hiểm thất nghiệp” lại được quy định tại Luật Việc làm. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định “Bảo hiểm thất nghiệp” là một chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo Luật; đồng thời bổ sung quỹ bảo hiểm thất nghiệp như một quỹ thành phần của quỹ BHXH quy định tại Điều 116 dự thảo Luật.
Để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh xã hội, đại biểu đề nghị sửa chế độ Bảo hiểm thất nghiệp theo hướng kéo dài thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người lao động bị mất việc làm để tạo thêm cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm mới. (Vì hiện nay, theo báo cáo của Chính phủ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến cuối năm 2022 ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 tăng lên hơn 62.400 tỷ đồng. Như vậy, nguồn kết dư lớn, trong khi thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định hiện nay ngắn).
Ngoài ra, cần có giải pháp về chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động như bổ sung quy định về việc thực hiện trích một phần quỹ BHXH để tạo lập nguồn quỹ riêng phối hợp với Ngân hàng cho người lao động mất việc làm vay thế chấp bằng sổ BHXH với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất để người lao động có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, khi có việc làm, thu nhập, người lao động trả tiền ngân hàng và tiếp tục tham gia BHXH.
Về điều kiện hưởng BHXH một lần (Điều 70) dự thảo luật đang đưa ra 02 phương án:
Phương án 1: chia ra làm 2 nhóm người lao động đã tham gia trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025) nếu có nguyện vọng được hưởng BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc (như luật hiện hành) và bắt đầu tham gia sau ngày Luật có hiệu lực thì không được hưởng BHXH một lần. Với phương án này, số người hưởng BHXH một lần sẽ giảm không đáng kể và tạo ra sự so sánh giữa người tham gia trước và sau ngày Luật có hiệu lực.
Phương án 2: Không phân biệt người tham gia BHXH trước hay sau ngày Luật có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và đảm bảo các điều kiện khác thì nếu có nguyện vọng người lao động được thanh toán BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng. Với phương án này, số người hưởng BHXH cũng không giảm nhiều nhưng người lao động vẫn còn ở trong hệ thống an sinh xã hội (còn ít nhất 50% thời gian đã đóng). Tuy nhiên, phương án này, nếu không khéo sẽ xuất hiện tình trạng gia tăng người hưởng BHXH một lần từ nay đến trước ngày luật có hiệu lực (tình trạng chạy luật).
Đại biểu đề nghị sửa Điều 70 theo hướng chia thành 02 nhóm và quy định điều kiện về thời gian từ 20 năm xuống 15 năm cho phù hợp với quy định tại Điều 64 về điều kiện hưởng lương hưu, cụ thể: điểm đ, Điều 70 sửa như sau:
Nhóm 1: Đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Thứ ba, về việc nghiên cứu, bổ sung thêm quy định đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, bị rút giấy phép kinh doanh. Nếu có nguyện vọng, người lao động có thể nộp tiền đóng BHXH còn thiếu được xác nhận thời gian đóng BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp phá sản, giải thể rất nhiều nên rất khó để đóng bổ sung cho người lao động. Khi xảy ra trường hợp trên, nhiều lao động có nguyện vọng tự đóng BHXH để họ được giải quyết các chế độ BHXH. Do vậy, theo đại biểu, cần bổ sung thêm phương án để xem xét, quyết định hoặc giao cho Chính phủ hướng dẫn nội dung này.