Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh: Đảm bảo mức lương, chế độ khen thưởng cho người lao động thủy nông

01/11/2023 18:07

(BNP) - Chiều 01/11, tham gia thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tham gia ý kiến về vấn đề đầu tư cho bảo trì, sửa chữa, chống xuống cấp tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và vấn đề về đời sống của người lao động lĩnh vực thủy nông.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, thời gian vừa qua, hệ thống hạ tầng thủy lợi khá đồng bộ với khoảng 86.200 công trình thủy lợi. Cả nước hiện có 98 công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước ổn định cho khoảng 7,3 triệu ha lúa, khoảng 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6,5 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, giúp ngăn mặn, cải tạo chua phèn, tiêu úng phục vụ nông nghiệp.

Tuy nhiên, cử tri phản ánh, hầu hết doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi đang gặp khó khăn. Việc chuyển từ cơ chế “thủy lợi phí” sang “giá” đối với hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi gần như không thực hiện được do phương pháp tính, quy trình ban hành giá phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của công trình thủy lợi và mức hỗ trợ cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi còn thấp.

Chỉ số ít các đơn vị có nguồn thu khác từ phát điện; cung cấp nước thô cho các đơn vị sản xuất, cấp nước sinh hoạt. Còn lại hầu như nguồn thu chủ yếu của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi là từ nguồn hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, trong hơn 10 năm qua (từ năm 2012 đến nay), mức hỗ trợ bằng mức thủy lợi phí là giữ nguyên không thay đổi, trong khi các chi phí đầu vào như: lương; điện; nhóm vật tư, nguyên liệu xây dựng, chỉ số CPI đều tăng từ 1,4 đến 1,7 lần. Như vậy, chi phí trong giá biến động tăng trong khi kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ không thay đổi là chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải bao gồm tiền lương, bảo dưỡng, sửa chữa công trình và các loại phí khác thì giá lại được tính bằng với mức hỗ trợ của Nhà nước, như vậy là giá thủy lợi chưa được tính đúng, tính đủ.

 Nguồn thu của Công ty thủy nông thấp, chi tối thiểu cho lương, nhiên liệu để vận hành công trình đã gần như hết nên kinh phí dành cho bảo trì, sửa chữa hàng năm công trình thủy lợi gần như không có hoặc thiếu, trừ các công trình có điều kiện thu thêm từ cấp nước sinh hoạt, phát điện…

Theo rà soát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước còn nhiều hồ, đập, trạm bơm, hàng ngàn km kênh… bị hư hỏng, xuống cấp do không được bảo trì đầy đủ, trong đó có 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ diễn biến cực đoan hiện nay, nếu một số hồ này bị vỡ sẽ gây ngập lụt hạ du và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất.

Bên cạnh đó, lương chi trả cho công nhân thủy nông rất thấp (có người làm việc hơn 10 năm nhưng lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng), trong khi họ phải làm việc với điều kiện khó khăn do công trình thủy lợi địa bàn rộng. Lương đã thấp, họ lại còn bị nợ lương do các Công ty thủy nông thường được cấp kinh phí vào quý III của năm ngân sách vì các thủ tục giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và hình thức thanh toán hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi khá phức tạp.

Vì vậy dù yêu nghề, muốn gắn bó với nghề, nhiều công nhân thủy nông vẫn phải chọn giải pháp tìm việc khác để đảm bảo cuộc sống, làm giảm đáng kể nguồn lao động lĩnh vực thủy nông có kinh nghiệm, tay nghề cao.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, Quốc hội xem xét tăng mức hỗ trợ cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi trong dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024 lên khoảng 1,4 lần và có lộ trình tăng dần từng năm bảo đảm phù hợp với mức tăng của các yếu tố chi phí đầu vào để đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa đảm bảo an toàn công trình, nhất là những hồ chứa đã được cảnh báo xuống cấp trầm trọng.

Thứ hai, Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu sửa đổi ngay Nghị định số 96/2018/NĐ-CP theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí phù hợp với đặc thù của ngành thủy lợi. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2019/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục giao và thanh toán hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Thứ ba, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa, có chính sách đảm bảo mức lương, chế độ khen thưởng, phúc lợi, giảm bớt khó khăn cho người lao động thủy nông, để họ thực sự yên tâm công tác.

PV