Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng được Bác Hồ đặt tên
(BNP) - Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sớm nhận thức được lẽ sống, lý tưởng, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đồng chí đã tham gia những cuộc đấu tranh chống áp bức, cường hào khi mới 14 tuổi và tham gia hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng Cộng sản (ĐCS) Ðông Dương trong phong trào Mặt trận Dân chủ bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu.
Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8/1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!". Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.
Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng về ông được Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam khái quát, tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào ĐCS Đông Dương; được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò, tổ chức đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền, được chỉ định tham gia Tỉnh uỷ lâm thời. Đầu năm 1938, làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 1938, đồng chí bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, kết án hai năm tù. Trong tù, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc trong nhà tù giành thắng lợi, nhưng Nguyễn Vịnh và một số lãnh đạo bị Pháp trả thù, tuyên thêm 6 tháng, giam tại nhà tù Lao Bảo. Đến tháng 10/1940, Nguyễn Vịnh, Tố Hữu bị chuyển đến nhà tù Buôn Ma Thuột. Năm 1941, cùng một số đồng chí khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên; tổ chức xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ.
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Chí Thanh được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Bí thư Tổng Quân uỷ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, Nguyễn Chí Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị; Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, tạo bước phát triển mới về sức mạnh chiến đấu của các LLVT, đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến, liên tục mở các chiến dịch lớn, đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1959, được phong quân hàm Đại tướng.
Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam bước vào thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh, Nguyễn Chí Thanh được điều vào miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính uỷ Quân Giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, Nguyễn Chí Thanh đi sâu nghiên cứu, phát hiện sớm việc chuyển chiến lược của Mỹ để Đảng có điều chỉnh chiến lược phù hợp; luôn theo dõi, nắm bắt chuyển biến mới của tình hình chiến trường, đề xuất nhiều chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn, nhất là việc tổ chức các đơn vị chủ lực cơ động cấp trung, sư đoàn đứng chân trên các chiến trường miền Nam với phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân; cách đánh thích hợp, độc đáo: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”; “tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”; “vành đai diệt Mỹ”, làm nên chiến thắng Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, Núi Thành, Vạn Tường... khẳng định quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”.
Nguyễn Chí Thanh là người chiến sĩ Cộng sản kiên cường, trung thành với lí tưởng cách mạng, người lãnh đạo, chỉ huy mưu lược, tài trí, kiên quyết và có tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự năng động, lấy thực tiễn chiến trường để thúc đẩy phát triển nghệ thuật quân sự, phát huy dân chủ để lấy ý kiến về cách đánh, phương án tác chiến phù hợp với những quyết sách đúng trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng, đã cùng Quân uỷ Trung ương khái quát nâng lên thành lí luận chỉ đạo về chiến lược quân sự mà chủ đạo là tư tưởng kiên quyết tiến công, chủ động tiến công, liên tục tiến công, quyết tâm đánh thắng quân Mỹ ngay từ trận đầu; đồng thời phát động chiến tranh nhân dân, sáng tạo nghệ thuật quân sự cách mạng để lại dấu ấn của nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, một vị tướng tài ba của thời đại Hồ Chí Minh.