Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Sữa học đường” giai đoạn 2017 - 2020

26/05/2020 17:44

(BNP) - Chiều 26/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục Mầm non và các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, bàn kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình “Sữa học đường” tỉnh chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị.

Giai đoạn 2017 - 2020, Chương trình “Sữa học đường” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy trẻ phát triển một cách toàn diện. Đối tượng thụ hưởng bảo đảm đúng quy định; số lượng và tỷ lệ trẻ uống sữa cao. Bình quân mỗi tháng có khoảng 137.000 - 210.000 trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học được thụ hưởng Chương trình “Sữa học đường” của tỉnh; trong đó, tỷ lệ trẻ Mầm non (công lập và ngoài công lập) đạt 100%; học sinh Tiểu học đạt 99,9%. Số lượng trẻ bán trú tăng cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi giảm so với đầu năm học; trẻ ít ốm đau, bệnh tật và đi học đều hơn…

Các điều kiện thực hiện Chương trình “Sữa học đường” đáp ứng yêu cầu theo quy định. Việc tổ chức cho trẻ uống sữa bảo đảm chặt chẽ, nền nếp; trong quá trình cho trẻ uống sữa, không có hiện tượng mất an toàn hay thất thoát số lượng sữa. Ngoài ra, phong trào tái chế vỏ sữa, tận dụng vỏ hộp sữa để sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được phát động và đạt hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 2020 - 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình “Sữa học đường” tỉnh xây dựng 02 phương án với lộ trình cụ thể theo từng năm học. Trong đó, phương án 1 tiếp tục thực hiện như giai đoạn 2017 - 2020, mỗi trẻ được uống 03 lần/tuần, mỗi lần 180ml/hộp. Phương án 2, từ năm học 2021 - 2025, mỗi trẻ được uống 05 lần/tuần; trẻ trong độ tuổi Nhà trẻ được uống hộp 110ml/lần; trẻ Mẫu giáo, học sinh Tiểu học uống hộp 180ml/lần. Nguồn sữa cung cấp đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến số lượng và dung tích sữa cho trẻ; đa dạng thêm nhiều chủng loại, hương vị sữa; việc vận chuyển và bảo quản sữa tại các điểm lẻ; công tác tổng hợp, quyết toán sữa hàng tháng; chi phí cho cán bộ, giáo viên tham gia thực hiện công tác “Sữa học đường” và chi phí xử lý rác thải vỏ hộp sữa…

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Chương trình “Sữa học đường” tỉnh và các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả tích cực, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan triển khai lấy ý kiến phụ huynh, từ đó xem xét, cân nhắc, lựa chọn phương án thực hiện Chương trình trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của trẻ, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của Chương trình “Sữa học đường” để phụ huynh học sinh nắm bắt, tin tưởng, từ đó giúp nâng cao chất lượng Chương trình và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

T.L