Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và trao Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống, nghệ nhân
(BNP) - Sáng 22/5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và trao Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống, nghệ nhân tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 4 từ phải qua); Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Song Hà (thứ 4 từ trái qua) trao Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống cho các địa phương.
Thực hiện Kế hoạch số 246/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm giai đoạn 2022-2025 (Chương trình OCOP), UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ cá thể đăng ký, tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đợt 1/2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của 11 sản phẩm đề nghị xét, công nhận đạt OCOP 4 sao của 05 chủ thể, thuộc nhóm thực phẩm, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu. Trong đó, có 07 sản phẩm đánh giá lần đầu và 04 sản phẩm đánh giá lại. Kết quả, 11/11 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp loại đạt 04 sao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (ngoài cùng bên phải) trao Bằng công nhận danh hiệu nghề truyền thống làm đậu Nghi Khúc, phường An Bình, thị xã Thuận Thành.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh công bố, trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” tỉnh Bắc Ninh cho 07 nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Thuận Thành: Nghề làm đậu Nghi Khúc, phường An Bình; nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, phường Song Hồ; nghề làm nem Bùi Xá, phường Ninh Xá; nghề làm tương Đình Tổ, xã Đình Tổ; nghề đồ gỗ mỹ nghệ thôn Bình Cầu, xã Hoài Thượng; nghề đúc đồng thôn Đào Viên, xã Nguyệt Đức; nghề làm đậu khu phố Trà Lâm, phường Trí Quả.
Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghệ nhân” cho 07 cá nhân: Nghệ nhân tranh ghép gỗ Nguyễn Văn Viện, phường Khúc Toại (thành phố Bắc Ninh); Nghệ nhân gốm Nguyễn Đăng Nghĩa, phường Hà Mãn; Nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Hữu Hoa và Nguyễn Hữu Đạo, phường Song Hồ (thị xã Thuận Thành); Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Nhân Phượng, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du); Nghệ nhân sinh vật cảnh Nguyễn Thành Sơn, xã Mộ Đạo (thị xã Quế Võ); Nghệ nhân mây tre đan Đặng Ngọc Phương, xã Lạc Vệ (huyện Tiên Du).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 4 từ phải qua) trao danh hiệu “Nghệ nhân” cho các cá nhân.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn chúc mừng các tập thể, cá nhân được công nhận sản phẩm OCOP, danh hiệu nghề truyền thống, nghệ nhân. Nhấn mạnh, Bắc Ninh - Kinh Bắc là vùng đất trăm nghề, để gìn giữ, phát huy các nghề, làng nghề truyền thống, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận nghề truyền thống đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Đối với các địa phương được công nhận nghề truyền thống tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp, cơ sở và mỗi người dân trong việc gìn giữ, phát triển bền vững nghề truyền thống, mang bản sắc của địa phương. Đặc biệt, tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số, thành lập các Câu lạc bộ, các hình thức liên kết tập thể các nghề, làng nghề truyền thống nhằm tạo sức sản xuất, cạnh tranh lớn, góp phần tích cực vào Chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị.
Về Chương trình OCOP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tạo sức lan tỏa để ngày càng có thêm các sản phẩm tham gia Chương trình. Các chủ thể có sản phẩm OCOP không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhất là chú ý đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, số hóa sản phẩm và có kế hoạch, lộ trình cụ thể để đăng ký tham gia đạt OCOP 4 sao và 5 sao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (thứ 5 từ trái qua) cùng các đại biểu thăm quan các sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn các cá nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân” tiếp phát huy tài năng, kinh nghiệm, không ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ, phát triển nghề truyền thống, những nét đẹp văn hóa riêng ở mỗi địa phương.