Củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh

27/01/2021 15:57

(BNP) - Tại Chỉ thị số 02/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, địa phương (DDCI) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công thị xã Từ Sơn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, phân tích chuyên sâu về các Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, Chỉ số PCI, Chỉ số DDCI của tỉnh và các yêu cầu mới trong quản trị quốc gia và quản trị địa phương gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch, tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục và thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), nhất là những thủ tục có tần suất giao dịch lớn, nghiên cứu triển khai thực hiện liên thông TTHC phù hợp với quy định của pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan đến chỉ số thành phần PCI có xu hướng giảm điểm và giảm thứ hạng chủ trì, đánh giá hiệu quả thực hiện các thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát huy các sáng kiến mới để nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp.

Tạo chuyển biến về cách ứng xử giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh giao Trung tâm hành chính công (TTHCC) tỉnh chủ trì, tổ chức đào tạo, nâng cao các kỹ năng cần thiết cho cán bộ liên quan đến công tác tiếp nhận và trả kết quả tại TTHCC các cấp; nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để xử lý hoặc phản ánh kịp thời tới các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý.

Nhất quán quan điểm tăng cường sự thân thiện, quan tâm lắng nghe với tinh thần tận tâm trong tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm giải trình để củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sát sao, thường xuyên nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc tại TTHCC và Bộ phận một cửa; cam kết về chất lượng phục vụ, công khai số điện thoại của Thủ trưởng cơ quan và Lãnh đạo phụ trách cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại TTHCC và trên trang thông tin điện tử. Đồng thời, phải có thư xin lỗi tới người dân và doanh nghiệp trong trường hợp cơ quan trả kết quả chậm hoặc cán bộ hướng dẫn không đầy đủ dẫn tới doanh nghiệp phải mất thêm thời gian hoàn chỉnh hồ sơ hoặc đi lại mà lỗi thuộc về cơ quan Nhà nước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch với người dân và doanh nghiệp

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030, đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Các Sở, ngành, địa phương rà soát, triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Kiểm soát các hoạt động thanh tra, kiểm tra

Các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra tỉnh trong việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm.

Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra khác hoặc Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh để có giải pháp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lặp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.

Thủ trưởng các cơ quan phải kiểm soát chặt chẽ quá trình tiếp xúc của cán bộ tại doanh nghiệp, mọi trường hợp đến làm việc với doanh nghiệp phải có kế hoạch có sự đồng ý của Giám đốc, thủ trưởng cơ quan Nhà nước, đúng theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất và sự thuận lợi, hỗ trợ để thu hút đầu tư vào các KCN, tận dụng các xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh. Tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận tín dụng, đất đai và các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Triển khai các cơ chế, giải pháp hữu hiệu để thu hút lao động, nhất là lao động chất lượng cao, đảm bảo kế hoạch phát triển hạ tầng xã hội cho người lao động để phát triển bền vững các KCN…

S.T