Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp

15/09/2022 14:11

(BNP) - Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan dự.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, toàn quốc đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 TTHC trên 100 lĩnh vực, qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Về đổi mới thực hiện TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận một cửa các cấp; 56 địa phương thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Tại Bắc Ninh, trong những năm qua, công tác cải cách TTHC luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả nổi bật như: thực hiện liên thông trong giải quyết TTHC với 68 TTHC, nhóm TTHC cùng cấp; 199 TTHC thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”, chiếm tỷ lệ 50% số TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ. Đồng thời, hợp nhất Cổng Thông tin dịch vụ công tỉnh với hệ thống Cổng Thông tin một cửa của tỉnh, cung cấp 1.224 dịch vụ công mức độ 3, 4; 100% TTHC được phê duyệt kết quả thông qua ký số; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 31,44%…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả mà các cấp, các ngành đạt được trong cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành thời gian qua.

Lãnh đạo Sở, ngành tham dự Hội nghị.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cương quyết loại bỏ lợi ích cục bộ; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu. Đặc biệt, phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng công tác cải cách TTHC các cấp, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời, hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, không cứng nhắc, bám sát khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để có điều hành phù hợp, hiệu quả; tăng cường tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống trên nguyên tắc cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại các cấp chính quyền; tăng cường tuyên truyền, giúp người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi thực hiện các dịch vụ hành chính công từ trực tiếp sang trực tuyến.

Lãnh đạo các Sở, ngành tham dự Hội nghị.

Ngay sau Hội nghị, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn yêu cầu các Sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, đồng bộ 100% TTHC thuộc chức năng quản lý giữa Cổng Thông tin dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đảm bảo đến hết năm 2022, 70% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản sao điện tử của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; đẩy nhanh tiến độ số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực. Tăng cường tuyên truyền, phát huy vai trò của các Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hỗ trợ về tiếp nhận hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công; hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức cách thức tra cứu tình trạng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ giải quyết TTHC.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện việc chứng thực điện tử trên địa bàn và xác định đây là một trong các tiêu chí đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2022, qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao các Chỉ số: PCI, PAPI, PAR Index của tỉnh trong những năm tiếp theo.

S.T