Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá
(BNP) – Sau 4 năm triển khai thực hiện, chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của tỉnh đã hoạt động tích cực và đạt được hiệu quả tuyên truyền sâu rộng, nâng cao đáng kể nhận thức trong cộng đồng về tác hại của thuốc lá.
Diễu hành mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá.
Ban chỉ đạo PCTHTL tỉnh được thành lập, kế hoạch PCTHTL của tỉnh cũng được ban hành với những mục tiêu cụ thể; các ban, ngành thành viên cũng thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL của ngành và có kế hoạch hoạt động riêng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là cơ quan đầu mối triển khai các hoạt động PCTHTL phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện phát sóng hơn 500 lần thông điệp, gần 30 phóng sự, chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, chương trình tọa đàm “Chung tay xây dựng môi trường không khói thuốc” trên Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh; phát gần 3.000 bài phát thanh PCTHTL trên hệ thống đài phát thanh huyện, thị xã, thành phố và các kênh tuyên truyền của ngành Y tế, qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao đáng kể nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá.
Trong giai đoạn 2015 - 2018, Sở Y tế phối hợp sản xuất và lắp đặt 16 pano “Bệnh viện không khói thuốc”, 87 pano “Trường học không khói thuốc”, 20 pano “Địa điểm du lịch không khói thuốc”, 45 pano “Cơ quan không khói thuốc”, 20 pano tuyên truyền về PCTHTL lắp đặt trên các tuyến đường; 9.000 biển mica “Cấm hút thuốc”, 4.200 biển mica “Cảm ơn vì bạn không hút thuốc”, 11.000 tờ áp phích, 135.000 tờ rơi, tờ gấp, 20.000 tờ thời khóa biển có nội dung về PCTHTL được sản xuất và cấp phát cho cộng đồng. Cùng với việc tổ chức các sự kiện như “Lễ hội Đền Đô không khói thuốc”, “Hội thi Nông dân với công tác PCTHTL” được tăng cường thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực...
Theo “Đánh giá tình hình triển khai luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2018” cho thấy, tình hình sử dụng thuốc lá ở nam giới giảm từ 49.7% (năm 2015) xuống còn 47.2% (năm 2018); tỉ lệ hút thuốc lá điếu của cả nam và nữ giới ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống còn 18.8%. Tại các cơ quan nhà nước, tỉ lệ hút thuốc lá trong nhà cũng giảm từ 37.2% xuống 18.4%; tỉ lệ hút thuốc lá tại khu vực ngoài nhà giảm từ 56.8% xuống 42.8%...
Thời gian tới, công tác truyền thông vẫn được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đặc biệt chú trọng tuyên truyền giáo dục và ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục xây dựng các mô hình “không khói thuốc” và duy trì các hình thức truyền thông trực tiếp để nâng cao nhận thức cộng đồng.