Đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch và cắm mốc giới khu vực thành cổ Luy Lâu
Ngày (5/8), đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại di tích thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến kiểm tra bản đồ khoanh vùng thành cổ Luy Lâu.
Thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1964. Năm 1999, thành cổ Luy Lâu được khoanh vùng quản lý với tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó: hơn 7 ha là khu vực 1; còn lại là khu vực 2. Từ năm 1999 đến nay, một số hạng mục chính của hai công trình kiến trúc trung tâm thuộc quần thể di tích thành cổ Luy Lâu là đền thờ Sĩ Nhiếp và chùa Phi Tướng được đầu tư tôn tạo 2 lần với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Kết quả kiểm tra khảo sát và đánh giá hiện trạng di tích thành cổ Luy Lâu năm 2013 của xã Thanh Khương so với bản đồ khoanh vùng năm 1999 hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Qua khảo sát thực tế tại khu di tích thành cổ Luy Lâu kết hợp với báo cáo đề nghị của chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Nhân Chiến chỉ đạo: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch; trước mắt, cắm lại mốc giới, khoanh vùng bảo vệ các khu vực của thành cổ Luy Lâu phải hoàn thành trong 2 tháng tới; chính quyền địa phương và các ngành liên quan phải bảo đảm giữ nguyên hiện trạng di tích; xem xét và nghiên cứu các phương án cắm biển chỉ dẫn lối vào thành cổ cho phù hợp, đúng vị trí; sau khi hoàn thiện Quy hoạch tổng thể di tích thành cổ Luy Lâu phải công bố rộng rãi và thực hiện theo đúng quy hoạch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của di tích, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ của nhân dân, đồng thời thu hút nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo di tích; bố trí nguồn ngân sách chống xuống cấp đền thờ Sĩ Nhiếp và chùa Phi Tướng trong năm 2014. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát tổng thể các di tích trên địa bàn tỉnh và đưa ra những đánh giá hiện trạng của từng di tích, kịp thời đề xuất phương án bảo vệ; lập Quy hoạch, cắm mốc giới các di tích và ưu tiên trùng tu, tôn tạo những di tích xuống cấp, tránh để xảy ra tình trạng như thành cổ Luy Lâu; rà soát quy chế quản lý di tích và đưa ra những phương án quản lý di tích phù hợp, tối ưu; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan để từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc trong hoạt động quản lý di tích, tôn giáo…
Nguồn:
BBN