Đền Hồi Nguyên Đường
(BNP) - Đền Hồi Nguyên Đường (thôn Lũy Hậu, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành) được khởi dựng từ lâu đời (khoảng thời Lê), đã trải qua nhiều lần tu bổ, trong đó lần tu bổ lớn vào khoảng những năm 50 của thế kỷ XX. Đền là nơi thờ Tiến sĩ Lương Đức Uy và các bậc tiên tổ trong dòng họ.
Đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh.
Đền Hồi Nguyên Đường hiện nằm ở trung tâm của xóm Lũy, quay hướng Đông Nam. Bốn phía là khu dân cư đông đúc. Trong khuôn viên đền, phía bên phải là nhà ở của Trưởng họ Lương.
Cổng vào đền.
Hiện nay, đền có kiến trúc chữ Đinh gồm Tiền đường và Hậu đường. Tiền đường 5 gian, phía trước 3 gian giữa là hệ thống cửa ván ghép, 2 gian bên được xây gạch kín, trổ cửa kiểu chữ thọ vuông. Phía trước là hai cột đồng trụ.
Đỉnh cột trụ trước đền.
Bộ lư hương bằng đá trước cửa đền.
Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim.
Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, kết cấu bộ vì hai gian giữa kiểu “kẻ truyền giá chiêng”, hai gian bên kết cấu vì kiểu “ván mê”. Nghệ thuật chạm khắc chủ yếu ở các bộ vì theo đề tài hoa lá, chạm nổi công phu. Nối liền tòa Tiền đường là Hậu đường 3 gian, kết cấu chịu lực khung gỗ lim theo kiểu thức giá chiêng.
Ban thờ chính.
Ngai thờ.
Đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ như: 01 bia “Ký điển bi ký”, niên đại Tự Đức 23 (1870); 01 bia “Lương tiên sinh bi ký”, niên đại sau năm 1945; 03 ngai thờ, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn; 01 khám thờ, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn; 01 hoành phi “Hồi nguyên đường”, niên đại thời Nguyễn; 01 hòm vuông, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn; 03 hộp sắc phong, chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn…
Bảng chữ Hán.
Chuông cổ.
Bia đá cổ.
Ngựa đá.
Chó đá.
Hàng năm vào các ngày sự lệ chính của gia tộc: Ngày 24/8 âm lịch, kỷ niệm ngày sinh; ngày 14/3 âm lịch, ngày kỵ nhật. Hai gia tộc Đào – Lương ở hai địa phương Đào Xá – Mão Điền theo lệ vẫn mời nhau đến dự, tổ chức lễ long trọng, trang nghiêm và thành kính.
Đền Hồi Nguyên Đường đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử-văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1292/QĐ-UBND ngày 09/10/2006.