Đền thờ Hàn Thuyên
(BNP) - Lai Hạ xưa thuộc tổng Lại Thượng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cuối thời Nguyễn sáp nhập vào huyện Lương Tài, phủ Thuận Thành.
Nghi môn Đền thờ Hàn Thuyên.
Đền thờ Hàn Thuyên nằm ở phía Tây Bắc làng, trên khu vực Đồng Bến thờ Nguyễn Thuyên (đỗ Thái học sinh khoa Đinh Mùi năm 1247). Do có công trừ nạn cá sấu bằng thơ Nôm, vua Trần Nhân Tông cho việc ấy giống như Hàn Dũ nhà Đường nên đổi cho ông sang họ Hàn.
Đền thờ Hàn Thuyên được trùng tu, tôn tạo.
Hậu cung nơi đặt tượng Hàn Thuyên.
Tương truyền công trình tín ngưỡng này khởi thuỷ là nơi ở lúc sinh thời của ông sau đó hoá gia vi từ (biến nhà thành đền). Khi ông mất, dân làng chuyển thành đền để thờ phụng ông. Cùng với thời gian, đền đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đợt trùng tu lớn gần đây nhất vào năm 2010.
Tiền tế đặt bài vị thờ Hàn Thuyên.
Quy mô của ngôi đền hiện nay là một toà có mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Tiền tế 5 gian và Hậu cung 2 gian. Các di vật có giá trị ở đền gồm 10 tấm bia đá dựng khắc vào hai thời Lê - Nguyễn; toàn bộ lòng văn khắc chữ Hán ghi chép công đức của Tiến sỹ Nguyễn Thuyên và việc công đức tu sửa đền của nhân dân địa phương; nghê đá; tượng Hàn Thuyên ở tư thế ngồi, một tay cầm bút, một tay cầm sách dáng vẻ thư thái nho nhã, đầu đội mũ cánh chuồn.
Các bia đá dựng khắc vào hai thời Lê - Nguyễn.
Phía trước là bài vị bằng đá khắc 13 chữ Hán “Binh bộ Thượng thư ngự tứ tính tự Hàn tướng công tiên sinh”, hoành phi, câu đối, bài văn tế cá sấu khắc chữ Hán… Đặc biệt là cuốn thư lớn để 3 chữ Hán “Thiên mỗ tự” và những viên gạch thời Trần phát hiện dưới lòng đất trong đợt tu sửa đền những năm cuối thế kỷ XX là những di vật minh chứng cho thời gian khởi thủy và tồn tại của ngôi đền.
Bài văn tế cá sấu bằng chữ Hán.
Lễ hội tại đền hàng năm tổ chức ngào ngày 17 tháng 5 âm lịch.
Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đền thờ Hàn Thuyên.
Đền thờ Hàn Thuyên được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng là di tích lịch sử tại Quyết định số 1568-VH/QĐ, ngày 20/4/1995.