Định hướng Lương Tài là huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh

09/04/2020 13:52
(BNP) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang vừa ký ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Tài đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Lương Tài được định hướng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.

Theo Quyết định, đây sẽ là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp (ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm), dịch vụ thương mại, phát triển công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa với tỉnh Hải Dương, có vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng và là huyện nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Bắc Ninh và cả nước.
 
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Lương Tài, với 14 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 13 xã có diện tích tự nhiên khoảng 105,9 km2, được giới hạn phía đông giáp tỉnh Hải Dương; phía tây giáp huyện Thuận Thành; phía bắc giáp huyện Gia Bình và phía nam giáp huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Quy mô dân số hiện trạng đầu năm 2019 khoảng 104.469 người; đến hết năm 2025 khoảng 112.110 người; đến hết năm 2035 khoảng 128.250 người.
 
Về định hướng phát triển không gian quy hoạch chia thành thành 2 vùng: vùng phát triển kinh tế đô thị gồm các đô thị Thứa, Trung Kênh, Lâm Thao và các khu vực bám các tuyến giao thông ĐT 280, ĐT 281 và tuyến đường huyện quy hoạch mới (đường tránh ĐT 281), trọng tâm là phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và công nghiệp; vùng phát triển kinh tế nông nghiệp bao gồm tất cả diện tích còn lại của huyện, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp.
 
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xác định, phân vùng phát triển hệ thống đô thị, khu vực nông thôn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn toàn huyện. Làm cơ sở để triển khai các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, xác định các dự án ưu tiên đầu tư, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, phát triển đô thị, phát triển nông thôn; quản lý đô thị và các khu vực dân cư nông thôn, khu vực phát triển công nghiệp, du lịch… và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của huyện, khai thác có hiệu quả mối quan hệ vùng, thế mạnh về đất đai nông nghiệp, nguồn lao động, nâng cao chất lượng sống cho người dân và bảo vệ môi trường.
S.T