Đình làng Hoài Thị
(BNP) - Đình làng Hoài Thị (xã Liên Bão, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ lâu đời, quy mô kiến trúc to lớn. Vào đời vua Lê Dụ Tông, đình được trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo hưng công trùng tu, chạm khắc tinh xảo nghệ thuật. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình bị tiêu thổ. Đến năm 1993, nhân dân trùng tu lại toàn bộ đình bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Lối vào đình làng Hoài Thị.
Căn cứ bản thần tích thần sắc kê năm 1938 (được lưu giữ tại đình làng), đình làng Hoài Thị là nơi thờ công chúa Đống Long triều Lý, là con gái vua Lý Nhân Tông, người có tướng mạo đẹp khác thường, ăn nói khéo léo, đến tuổi lấy chồng mà vẫn mải thú vui yên hà, hâm mộ cửa phật, thường tìm đến nơi danh lam thắng cảnh.
Tòa đại đình.
Bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt.
Phần đao cong được đắp trang trí đầu rồng nghệ thuật.
Vào ngày 13 tháng 10 năm Tân Dậu, công chúa theo nhà vua đến chùa Lãm Sơn ở huyện Quế Dương. Ngày 14 khi đến chùa bỗng gặp phải cơn gió dữ nằm lịm đi, đến đầu canh 5 lại hồi tỉnh như không có bệnh gì, rồi gọi người hầu đến và bảo rằng thượng đế sai sứ giả cưỡi gió cưỡi mây cầm cờ mời về tiên cung không được ở lại trần thế. Nói xong nằm yên tự thác.
Bên trong gian thờ chính tại đình.
Bức hoành phi.
Cuốn thư tại đình.
Nhà vua vô cùng thương xót và cho táng tại chùa, truyền cho nhân dân trong thôn lập miếu thờ cúng. Sau có việc cầu đảo, thần đều rất linh ứng, đã phù dân giúp nước, trải đến triều Lê có sắc phong cho thần và chuẩn cho bản thôn phải phụng sự muôn đời, các đời vua sau đều có sắc phong cho và ban mĩ tự cho người được thờ.
Bản thần tích.
Các sắc phong tại đình.
Hiện nay, lăng mộ công chúa được xây dựng trên diện tích khoảng 5m, hình vuông, kiểu tòa phương đình. Lăng được xây dựng bằng chất liệu mới, bên phải là đình làng, bên trái là chùa, phía trước là trục đường giao thông chính của thôn, lăng có cùng hướng với đình và chùa, tạo cảnh quan cụm di tích địa phường đình chùa nghè linh thiêng cổ kính.
Nét kiến trúc chạm khắc tinh xảo trong đình.
Hiện nay, đình Hoài Thị có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm Đại đình và Hậu cung. Đại đình 3 gian 2 chái với 4 mái đao cong. Bộ khung bằng gỗ có kết cấu kiểu con chồng giá chiêng, tiền kẻ hậu kẻ, liên kết với 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang, cửa mở 3 gian giữa, hướng đông nam, hệ thống cửa theo kiểu thượng song hạ bản.
Cửa võng mang dấu ấn điêu khắc thời Nguyễn.
Ngai thờ bên trong hậu cung.
Ngăn giữa hậu cung và tiền tế là bức cửa võng là dấu ấn điêu khắc của thời Nguyễn, phía trên chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, và hai bên diềm chạm nổi long cuốn thủy với nét chạm to khỏe.
Bức tranh mô phỏng chân dung công chúa Đống Long triều Lý.
Lăng mộ công chúa.
Hậu cung là kiến trúc thời Nguyễn được tu bổ lại, kết cấu vì nóc theo kiểu con chồng giá chiêng, liên kết bởi 2 hàng cột dọc và 4 hàng cột ngang, tường xây bít hai hồi.
Rồng đá tư thế chầu phục được chạm khắc tinh xảo.
Mái đình lợp ngói, trên đỉnh bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, bờ dải đắp ân và phần đao cong được đắp trang trí đầu rồng nghệ thuật. Trước cửa hiên có rồng đá lớn trong tư thế chầu phục được chạm khắc tinh xảo nghệ thuật.
Xung quanh đình có tường rào bao quanh, giáp khu dân cư.
Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng Giêng, đình Hoài Thị lại mở hội. Trong những ngày hội có nhiều trò chơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân như hát Quan họ, đu cây, thi vật, kéo co, đánh cờ… Ngoài ra tại đình còn có các ngày sự lệ như: Lễ thu tế 15 tháng Tám; giỗ thành hoàng làng 15 tháng Mười, lễ chạp 10 tháng Mười Hai, tuần rằm mồng một dân làng đều ra đình thắp hương cầu sức khỏe bình an và may mắn.
Đình làng Hoài thị được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, Quyết định số 127/QĐ-UBND, ngày 9/2/2015.