Đình Mẫn Xá - công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương
(BNP) - Đình Mẫn Xá, xã Long Châu, huyện Yên Phong vốn được xây dựng từ rất lâu đời. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1947, đình bị tiêu thổ kháng chiến; năm 1956, nhân dân địa phương đã xây dựng lại ngôi đình; đến năm 1999, đình được khôi phục lại trên nền đất cũ.
Đình Mẫn Xá nằm ở phía Tây Nam của làng.
Cổng Đình Mẫn Xá.
Căn cứ vào các nguồn sử liệu và truyền khẩu của nhân dân địa phương, Đình Mẫn Xá thờ đức thánh Đô úy đại thần Nguyễn Hồng. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Mẫn Xá, từ bé đã nổi tiếng về văn tài võ học, thông tuệ hơn người, được nhân dân gọi là Mục tướng.
Tòa Phương đình.
Khuôn viên thông thoáng.
Vào thời tiền Lý Nam Đế, lúc Nguyễn Hồng 15 tuổi, ông nghe hịch bèn chiêu mộ quân khắp thôn làng theo về vua Lý Nam Đế. Vua thấy ông là người văn võ khiêm toàn, bèn mời ông làm quan Đô Úy đại thần, mang quân ra đánh Tiên Tư. Sau khi đánh thắng, vua ra chiếu triệu Nguyễn Hồng về kinh, mở đại tiệc ăn mừng, gia phong cấp trật.
Mái tòa Phương đình lợp ngói theo kiểu 4 mái 4 đao cong.
Kết cấu bộ vì nóc tòa Phương đình kiểu “cột trụ, con chồng giá chiêng”.
Sau đó, ông cùng vua tiếp tục đánh quân nhà Lương sang xâm lược, tuy nhiên quân vua thua, tan vỡ. Sau khi vua Lý Nam Đế chết, Nguyễn Hồng đưa quân về đóng tại thôn Mẫn Xá nhưng đã bị quân Lương đến vây chặt. Rồi ông cưỡi ngựa xung trận phá vây, về đến bến sông Nguyệt Giang (sông Cầu), ngửa mặt lên trời mà than rồi gieo mình xuống dòng sông tuẫn tiết.
Hệ thống khung gỗ tòa Phương đình.
Vì những công lao của ông, đến niên hiệu Thiên Phúc đời vua Lê Đại Hành (980 - 988) là lễ xét thành tích bách thần, ông được gia phong là bản cảnh thành hoàng, được tôn thần. Sắc triều đình ban tặng mỹ tự: Đương quan mục tướng Đại Vương.
Hệ thống cửa gỗ bức bàn tòa Đại đình.
Nằm ở phía Tây Nam của làng, Đình Mẫn Xá có khuôn viên rộng lớn, được xây dựng gồm 02 công trình chính là: Phương đình và Đại đình.
Kiến trúc tòa Đại đình được chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý...
Trong đó, tòa Phương đình 3 gian, kết cấu bộ vì nóc kiểu “cột trụ, con chồng giá chiêng”, hệ thống khung bằng gỗ, mái lợp ngói theo kiểu 4 mái 4 đao cong. Toàn bộ tòa Phương đình không xây tường, không có hệ thống cửa mà để thông thoáng với môi trường khuôn viên xung quanh.
Gian thờ chính trong tòa Đại đình.
Ngai thờ thời Lê còn được lưu giữ trong Đình.
Tòa Đại đình gồm 3 gian 2 chái Đại bái và 2 gian Hậu cung. Bộ khung bằng gỗ, bộ vì nóc kiểu “cột trụ, con chồng, giá chiêng”; phần mái lợp ngói. Trên các bộ phận kiến trúc được chạm khắc trang trí các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá vân mây nghệ thuật. Tòa Hậu cung gồm 2 gian là nơi tôn nghiêm phụng thờ đức Thánh được ngăn cách với bên ngoài bởi bức cửa cấm.
Bia đá ghi tiểu sử Đức thánh của làng trong khuôn viên Đình.
Hai nhà tảo mạc được đặt đối xứng trong khuôn viên đình.
Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ, khuôn viên cảnh quan, vườn cây cổ thụ thâm nghiêm cổ kính.
Đôi voi đá được đặt hai bên trong khuôn viên.
Trải qua trường kỳ lịch sử, tuy bị tiêu thổ trong kháng chiến nhưng nhân dân vẫn giữ gìn được hệ thống cổ vật thời Lê - Nguyễn phong phú đặc sắc có giá trị cao, tiêu biểu như: Ngai thờ, thần tích, bài vị, hòm sắc, hoành phi, câu đối, các đạo sắc phong…
Đôi rồng đá nằm dọc bậc lên xuống tòa Phương đình.
Vườn cây cổ thụ cổ kính trong khuôn viên đình.
Lễ hội truyền thống của làng Mẫn Xá được tổ chức vào 28/8 hàng năm. Trước đây, vào lễ hội truyền thống, làng tổ chức rước hàng năm nhưng nay chỉ rước vào năm chẵn (5 năm tổ chức rước 1 lần). Trong lễ hội, nhân dân tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, thể thao như: Hát quan họ, thể dục dưỡng sinh và các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, bóng chuyền, cầu lông, chọi gà…
Tường bao quanh Đình.
Đình Mẫn Xá là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương. Các cổ vật lưu giữ tại di tích là những nguồn tư liệu quý tìm hiểu về lịch sử và văn hóa quê hương. Đình làng cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.