Đình Đoài - Di tích văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia
(BNP) - Đình Đoài được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Đây vốn là ngôi đình chung của làng Mão Điền Đoài, nay theo sự phân chia địa giới các thôn, đình hiện nằm trên địa phận thôn Bàng, Cả, Đình, Mận (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành).
Tòa Đại đình.
Đình Đoài thờ 3 vị thần: Hồng Châu Cư Sĩ, Uy Minh Cư Sĩ và Vũ Chiêu Cư Sĩ, phối thờ 4 vị hậu thần là Văn Trai tiên sinh (tức Chánh võ uý Vũ Kỳ), Trúc Hiên tiên sinh, Thị Huyên tiên sinh và Trung Lương tiên sinh Vũ Đăng Doanh.
Nghi môn ngoại.
Hiện Đình Đoài bao gồm các công trình: Nghi môn nội; Nghi môn ngoại, nhà sắp lễ và tòa Đại đình. Nghi môn ngoại quay hướng Tây, được làm hoàn toàn bằng chất liệu bê tông cốt thép, chồng diêm 2 tầng 8 mái, đỉnh nóc đắp hình mặt trời, có hình hai con kìm ngậm bờ nóc, hai bên có hai cột đồng trụ, đỉnh trụ đắp hình nghê, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán. Nghi môn nội hướng Nam, dạng tứ trụ, đỉnh nóc đắp hình bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối bằng chữ Hán, hai bên lối đi phụ cuốn vòm, trên có mái đao cong.
Bờ nóc đắp đôi rồng chầu nguyệt.
Tòa Đại đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 7 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4 mái 4 đao cong, bờ nóc đắp rồng chầu nguyệt, cửa mở gian giữa kiểu ván ghép, gian bên để mở kiểu chấn song, gian bên kế tiếp mở cửa kiểu bức bàn, gian bên tiếp theo để mở kiểu chấn song, gian chái trổ cửa chữ Thọ tròn.
4 mái đao cong.
Bộ khung tòa Đại đình được liên kết bởi 10 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang gồm 8 bộ vì chính, 2 bộ vì hồi, sử dụng chất liệu gỗ Lim, gỗ Xoan; kết cấu 6 bộ vì nóc giữa kiểu chồng rường giá chiêng, 02 bộ vì nóc gian chái và 02 bộ vì hồi kiểu cọc báng bào trơn, kết cấu vì nách tiền gian giữa kiểu con chồng ván mê, vì nách hậu gian giữa kiểu cốn mê chạm khắc tinh xảo nghệ thuật đề tài tứ linh, tứ quý; kết cấu vì nách gian bên kiểu kẻ chuyền.
Đôi Rồng đá trước cửa Đại đình.
Ngoài hai bức cốn mê gian giữa chạm khắc tinh xảo nghệ thuật đề tài tứ linh rất điển hình của nghệ thuật chạm khắc thời Nguyễn, các đầu dư chạm rồng ngậm ngọc với hoa văn mây mác rất đặc trưng của nghệ thuật thời Hậu Lê, trên đầu bẩy của gian giữa chạm khắc nghệ thuật đề tài tứ linh, các con chồng, bảy hiên chạm khắc hoa lá cách điệu.
Bộ lư hương bằng đá.
Ống muống gồm 2 gian. Bộ khung được liên kết bởi 4 hàng cột dọc, 3 hàng cột ngang gồm 3 bộ vì chính, sử dụng chất liệu gỗ Lim. Kết cấu vì nóc thứ nhất, thứ hai (từ ngoài vào) kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”, trên các con chồng chạm khắc hoa lá cách điệu; kết cấu vì nóc thứ 3 (giáp với Hậu Cung) kiểu “con chồng ván mê” chạm khắc các đề tài tứ linh, vân mây, vì nách kiểu “cốn mê” chạm rồng.
Bộ khung được chạm khắc tinh xảo.
Hậu cung gồm 1 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4 mái 4 đao cong, chính giữa bờ nóc trang trí giá văn đắp hổ phù, kìm nóc là con long mã, khủy đắp con xô, đao đắp long mã, vân mây, mái lợp ngói mũi, cửa mở 3 gian kiểu ván ghép. Bộ khung được liên kết 4 hàng cột dọc 4 hàng cột ngang, gồm 2 bộ vì chính; kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng” vì nách kiểu “chồng rường”, các cấu kiện bào trơn không chạm khắc trang trí.
Ban thờ chính.
Ngai thờ.
Đình hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: Bia đá, niên đại thời Mạc; thần tích, hạc gỗ, cây hương đá, đạo sắc phong niên đại thời Lê; hoành phi, đôi câu đối, long đình, niên đại thời Nguyễn…
Hoành phi niên đại thời Nguyễn.
Bát bửu niên đại cuối thế kỷ XX.
Hàng năm cứ vào ngày 15/3, nhân dân mở hội làng theo nghi thức truyền thống.
Bia đá cổ.
Di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích văn hóa nghệ thuật Cấp quốc gia tại Quyết định số 302/QĐ-BVHTTDL, ngày 22/01/2009.