Đình Thụ Ninh
(BNP) – Đình Thụ Ninh, khu phố Thụ Ninh, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh tọa lạc trên khu đất đẹp giữa làng, phía trước có ao đình, nơi tụ phúc tụ thủy, xung quanh là khu dân cư trù mật. Đình thờ 3 vị thành hoàng làng gồm: Uy Minh tôn thần, Trinh Thuận cung phi phu nhân tôn thần, Đoan Trang công chúa tôn thần.
Toàn cảnh đình Thụ Ninh.
Theo các cụ cao niên địa phương, làng Thụ Ninh nằm trên thế đất hình chim phượng. Trong đó, ngôi đình được dựng trên dải đất cao ở giữa làng (trên mình chim phượng), xa về phía Tây là ngôi chùa làng (nằm trên đầu chim phượng). Di tích Đình Thụ Ninh cùng với cảnh quan xung quanh tạo thành một không gian hài hòa.
Tòa Đại đình.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao thế hệ người dân, Đình Thụ Ninh đã trở thành trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Đại đình 7 gian 2 dĩ. Kết cấu hệ chịu lực (hệ vì) được làm bằng gỗ lim với 8 bộ vì.
Đình Thụ Ninh là một quần thể kiến trúc, gồm: Nghi môn, tòa Đại đình và Hậu cung được nối liền với nhau tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Phía sau tòa Đại đình là nhà Gà và công trình phụ. Đại đình 7 gian 2 dĩ. Kết cấu hệ chịu lực (hệ vì) được làm bằng gỗ lim với 8 bộ vì, mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột đặt trên tảng kê hình quả bồng bằng đá xanh nguyên khối. Các bộ vì có cách thức liên kết khác nhau.
Cách thức liên kết các cấu kiện vì nóc theo kiểu “con chồng giá chiêng”.
"Cốn" trang trí “tứ linh, tứ quý” khá tỉ mỉ đặc sắc trên từng cấu kiện kiến trúc.
Cách thức liên kết các cấu kiện vì nóc theo kiểu “con chồng giá chiêng”, vì nách theo kiểu“vì ván mê” còn gọi là “cốn”. Hậu cung 3 gian, mỗi bộ vì hai hàng chân cột kết cấu vì nóc “thượng chồng rường, hạ giá chiêng”. Với đề tài trang trí “tứ linh, tứ quý” khá tỉ mỉ đặc sắc trên từng cấu kiện kiến trúc, được các nghệ nhân xưa thực hiện khá tỉ mỉ, tốn nhiều công sức.
Ban thờ chính.
Đình Thụ Ninh hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như thần phả, bia đá, sắc phong, đồ thờ tự thời Nguyễn khá nhiều. Đặc biệt thần phả, đã cho biết khá rõ lai lịch công trạng người được thờ ở di tích.
Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, vừa là di sản văn hóa quý giá của quê hương. Đình làng cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.
Sắc phong.
Bên cạnh đó, Đình Thụ Ninh còn lưu giữ được rất nhiều mảng chạm khắc tại Đại đình và Hậu cung từ thời Nguyễn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Các đồ thờ tự, sắc phong là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
Bát biểu.
Theo các cụ cao niên địa phương, trước năm 1945 Lễ hội truyền thống của địa phương được tổ vào ngày 10 đến 15 tháng 8 (là ngày kỳ phước). Trong ngày sự lệ này có tổ chức đoàn rước Thánh từ nghè về đình để tế lễ. Đến ngày 10 tháng 2, làng Yên Mẫn (phường Kinh Bắc) xuống đình Thụ Ninh rước sắc phong về thờ tại đình. Sau làng Thị Chung (Phường Kinh Bắc) lại rước về đình Thị Chung để thờ. Đến năm sau, ngày 10 tháng 8 nhân dân Thụ Ninh lại rước sắc về thờ tại đình Thụ Ninh (do trước đây làng Thụ Ninh, Yên Mẫn, Thị Chung cùng thuộc xã An Xá, đạo sắc niên hiệu Đồng Khánh 2 (1887) sắc chung cho Thành hoàng của Thụ Ninh, Yên Mẫn, Thị Chung).
Bia đá.
Chuông đồng.
Về sau, địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 10 tháng Giêng là ngày hóa của Đức Thánh. Để chuẩn bị cho ngày sự lệ, địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội, đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Ngoài các ngày lễ chính, vào các ngày tuần Rằm, Mùng một, nhân dân địa phương đều sắm sửa hương đăng, trà quả thắp hương lễ Thánh.
Đình Thụ Ninh được xếp hạng Quốc gia năm 2016.