Đình Văn Phạm

29/07/2024 07:00

(BNP) - Đình Văn Phạm, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài được nhân dân địa phương khởi dựng từ lâu, là công trình kiến trúc truyền thống cùng một số dấu ấn kiến trúc thời Lê - Nguyễn.

Đình Văn Phạm.

Theo bia đá “Tu tạo Nguyễn Phúc bi” lập vào năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh (1707) hiện còn lưu giữ tại đình, năm 1707, đình Văn Phạm đã tồn tại và có thể được khởi dựng sớm hơn, đến năm 1824 được nhân dân trùng tu lớn.

Toà Đại đình.

Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật.

Trải qua thời gian dài của lịch sử với thiên nhiên khắc nghiệt, đình Văn Phạm đã nhiều lần được tu bổ. Trước năm 1945, đình Văn Phạm là công trình kiến trúc quy mô gồm: Đại đình và Hậu Cung. Đại đình có kết cấu 3 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4 mái, 4 đao cong, sàn gỗ hai bên, phía trước mở cửa bức bàn. Hậu cung 3 gian nối liền với Đại đình tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh.

Cửa mở 3 gian.

Vì nóc có cấu trúc kiểu “Chồng rường giá chiêng”.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sàn đình bị tháo dỡ năm 1952. Năm 1962, do di tích xuống cấp, địa phương tu sửa, cắt đao góc mái, xây bít đốc hai đầu hồi, gác hai vì hồi từ quá giang lên tường. Năm 2007, thu nhỏ 3 gian Hậu cung còn 1 gian.

Ban thờ chính toà Đại đình.

Đình thờ vị Linh Phù tôn thần.

Hiện nay, đình Văn Phạm là một quần thể kiến trúc. Nghi môn của đình nằm sát đường đi, bên hồi trái của đình. Qua nghi môn là một khoảng sân rộng lát gạch, liền đó là Đại đình và Hậu cung.

Hệ thống bia đá lưu giữ tại đình.

Đại đình làm theo kiểu bình đầu bít đốc tay ngai, mái trước dài hơn mái sau, lợp ngói mũi hài. Toà Đại đình gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian. Toàn bộ hệ thống cột được dựng trên tảng kê chân cột hình tròn. Bộ khung đỡ mái nhà gồm 6 bộ vì có cấu trúc không giống nhau. Hai bộ vì tạo thành gian giữa có cấu trúc các vì như sau: vì nóc có cấu trúc kiểu “Chồng rường giá chiêng”; vì nách trước có kết cấu kiểu “Kẻ truyền”; vì nách sau có kết cấu kiểu “Chồng rường”.

Gian thờ các Anh hùng liệt sĩ tại đình.

Hậu cung nối liền với gian giữa và vuông góc với Đại đình tạo thành không gian khép kín. Giữa Hậu cung và Đại đình được ngăn cách bởi bức tường gạch có trổ 3 cửa đi kiểu “Tò vò”. Hậu cung có 1 bộ vì, tạo thành 1 gian, kết cấu theo kiểu “Vì kèo”. Các thành phần cấu kiện kiến trúc đình Văn Phạm trang trí đơn giản chủ yếu là hoa lá cách điệu trên câu đầu, kẻ truyền, còn lại là bào trơn, gờ chỉ đơn giản.

Các sắc phong lưu giữ tại đình.

Bộ bát bửu.

Theo tài liệu “Thần tích - Thần sắc” do Viện Viễn Đông Bác cổ thống kê năm 1938, hiện sao lưu tại di tích cho biết đình Văn Phạm thờ vị Linh Phù tôn thần. Lúc còn sống, vị Linh Phù tôn thần có công giáo hóa dân chúng, trực tiếp đánh giặc cứu nước, thác âm phù các vua, tướng giỏi đời sau đánh thắng giặc ngoại xâm được các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng nhiều sắc phong.

Cây bồ đề - cây di sản Việt Nam trong khuôn viên đình.

Đình Văn Phạm hiện còn bảo lưu hệ thống cổ vật có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như: 05 đạo sắc phong; 18 bia đá có niên đại từ năm 1707 - 1938; thần tích, ngai vị, bàn thờ thời Nguyễn…

Đình Văn Phạm được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa tại Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 21/12/2012.

S.T